Nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hiểm hoạ của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cũng như hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể trong hoạt động “ Phòng chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”… năm 2011, đặc biệt là trong tháng ATGT, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; giáo dục ATGT trong nhà trường; thông qua hoạt động tuyên truyền của các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đơn vị, các tổ dân phố, thôn bản, hệ thống truyền thanh các xã, phường; tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ lái xe ô tô khách, xe buýt nâng cao ý thức, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của người lái xe; sử dụng thông điệp, áp phích, băng zôn, tờ rơi, khẩu hiệu; triển lãm ảnh tai nạn giao thông, nhất là tai nạn từ nguyên nhân uống rượu, bia… với những khẩu hiệu: Đã uống rượu, bia không lái xe; Đã lái xe không uống rượu, bia; Lạm dụng rượu, bia- hiểm hoạ tai nạn giao thông; Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông; Tích cực hưởng ứng “ Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020... Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc đơn vị quản lý đường rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc ở những điểm cần thiết; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông đường bộ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định bảo đảm trật tự ATGT tại các công trình vừa khai thác vừa thi công… Cơ quan công an năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo NĐ 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; huy động lực lượng, bổ sung trang thiết bị đo nồng độ cồn; tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với lái xe ôtô, môtô; tổ chức các chiến dịch cưỡng chế theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn; tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, phương tiện không bảo đảm an toàn… Năm 2011, Đội CSGT đường thủy công an tỉnh tổ chức 238 lượt tuần tra kiểm soát lưu tuyến, 53 lượt bến cát sỏi, 32 lượt các bến khách ngang sông và 547 lượt phương tiện lưu thông. Qua tuần tra kiểm soát phát hiện 497 trường hợp vi phạm, tập trung vào các lỗi: chở hàng quá tải, không có danh bạ thuyền viên, sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hết hạn, không sơn vạch dấu mớm nước an toàn… Cùng với công tác tuần tra kiểm soát, Đội còn phối hợp với công an các huyện thành, thị, các xã ven sông có giao thông đường thuỷ thường xuyên tuyên truyền nội dung Luật Giao thông thủy nội địa; rà soát lên danh sách, thống kê các đối tượng và địa bàn có hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, ĐTCB để nắm chắc tình hình đối tượng, địa bàn, phát hiện những sai phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi để tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, cố tình chây ỳ, chống đối sự kiểm tra… Song song với công tác TTKS, xử lý vi phạm, công tác bảo đảm giao thông và thực hiện lập lại hành lang ATGT được tăng cường. Các cấp, các ngành, đoàn thể ký cam kết đảm bảo ATGT đường sắt để hạn chế tai nạn giao thông trên đường ngang và ngăn chặn tình trạng ném đất, đá lên tàu. Rà soát và có biện pháp bảo đảm an toàn tại các đường ngang, tại các địa phương có đường sắt đi qua, giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường sắt. ..Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát giữ gìn trật tự vận tải và bảo vệ công trình giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị quản lý đường bộ, tiến hành giải tỏa các tụ điểm bức xúc vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Mặc dù các cơ quan chức năng tổ chức ra quân mạnh mẽ, thực hiện đồng loạt và có hiệu quả các biện pháp đảm bảo TTATGT trên khắp các địa bàn; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm túc các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT song năm 2011 toàn tỉnh vẫn xảy ra 102 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 90 người và bị thương 63 người. So với năm 2010, tuy số vụ và số người bị thương giảm song số người chết lại tăng 2 người mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn kém, vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, chở quá tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó nhiều trường hợp uống rượu, bia quá nồng độ cho phép vẫn điều khiển phương tiện giao thông, hiện tượng người ngồi trên xe môtô không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm song chỉ mang tính chất đối phó còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương. Vì một xã hội giao thông an toàn, thân thiện, mỗi người tham gia giao thông hãy lái xe bằng cả trái tim mình./. Bạch Dương |