Những nỗi lo… Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt những ngày giáp tết, nông dân Nguyễn Văn Năm thôn Vân Giữa, xã Vân Hội (Tam Dương) vẫn ra thăm đồng không dưới mươi lần/ngày. Mừng vì rau năm nay đẹp, lại được giá, nhưng lo vì chỉ sợ có đợt sương muối, sương giá nào ập đến là hỏng cả ruộng rau. Nhà anh chỉ có 6 sào ruộng, nhưng tất cả đều trồng rau thay vì trồng lúa như trước đây. Bên ruộng bí xanh và rau cải ngọt xanh mướt, anh vừa vạch lá tìm sâu vừa tâm sự: “Trồng rau sạch theo mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi sống bằng nghề trồng rau và chăn nuôi gia cầm. Bình thường, mỗi năm trồng rau chũng cho thu nhập khoảng trên dưới 30 triệu đồng, có năm được mùa thì thu nhập cao hơn. Trồng rau vụ đông này chỉ trông chờ vào dịp tết, nên phải chăm sóc cẩn thận để rau tốt bán được giá mới có tiền sắm tết, ăn tết mới ngon”. Rồi anh cười, nụ cười như xua tan đi cái lạnh mùa đông. Là nông dân, bên cạnh trồng màu thì phần nhiều cũng không bỏ được cây lúa, loai cây lương thực gắn bó với người nông dân từ ngàn đời nay. Những ngày giáp tết, chị Hòa, xã Đại Đồng, Vĩnh tường cũng như bao người nông dân chân đất khác vẫn phải chu toàn việc đồng áng trước rồi mới chuẩn bị được tết. Tết đến người ta chuẩn bị tiền đi mua sắm những tiện nghi gia đình để ăn chơi, để trưng diện, nhưng nông dân khi tết đến còn phải cày, lo cấy, lo phân, lo thuốc cho lúa. Bởi vậy mà tết của người nông dân tiết kiệm và giản dị hơn thành phố nhiều lắm. Chị Hòa bộc bạch: “Tôi làm 4 sào lúa đông xuân, những ngày giáp tết cả nhà được huy động đi cấy cho xong thì về nhà ăn tết mới yên tâm. Bao nhiêu chi phí tập trung vào tiền phân vụn, thuốc diệt cỏ, tiền lúa giống hết rồi. Cả nhà đang hy vọng vào sào ớt và ruộng cà chua kia, nếu bán được giá thì ăn tết thoải mái hơn, còn không thì phải chi tiêu hạn chế, mua đồ ở chợ ít hơn, ở nhà gà, vịt có sẵn rồi”. Nông dân thời nay, rất nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng để có hiệu quả sản xuất cao hơn, đời sống đã thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều hộ nông dân đã vay vốn làm trang trại chăn nuôi cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn thực phẩm, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhất là các hộ chăn nuôi ở Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường. Anh Trịnh Hồng Hiền ở Hợp Châu, Tam Đảo là một điển hình của thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi cho biết: “Trong chuồng lúc nào cũng nuôi gần trăm con lợn bột, chục lợn nái, cùng với làm đại lý phân phối thức ăn gia súc, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Tâm lý chung của những người chăn nuôi luôn thấp thỏm nửa mừng, nửa lo vì thời tiết và giá cả thị trường. Nếu giá lợn ổn định, không dịch bệnh gì thì không phải lo lắng tiền ăn tết, mà sẽ sắm sửa thật đầy đủ đón tết. Nhưng nếu có dịch bệnh gì thì cũng coi như trắng tay… Cầu mong cho mưa thuận gió hòa để những người nông dân làm ăn thuận lợi, đón tết trong niềm vui được mùa.” Tết giản dị, ấm áp, sum vầy Dù còn không ít lo toan, vất vả, nhưng ai cũng nhận thấy rằng mức sống của người nông dân, nông thôn hôm nay đã nâng lên rất nhiều so với trước đây. Cuộc sống đã dần ấm no, tạo cho không khí Tết ở nông thôn cũng có phần sinh động hơn. Qua ngày Tết ông công, ông táo, hầu hết người nông dân đã gác lại công việc đồng áng để trang hoàng nhà cửa, đi chợ sắm sửa chuẩn bị tết. Vui nhất là chiều 30 Tết, khi cả nhà ai cũng tất bật đón tất niên, nhiều nhà còn mổ lợn, tiếng lợn kêu eng éc mà thấy không khí tết thật rộn ràng. Trẻ con ngày tết ai cũng được bố mẹ sắm sửa cho quần áo, giày dép mới để đi chơi tết, không còn cảnh áo không đủ ấm như ngày xưa nữa. Nông dân thời kinh tế thị trường cũng không còn cảnh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cũng như rất nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn tỉnh, gia đình anh Thư, chị Trào, xã Hoàng Lâu, Tam Dương là một gia đình thuần nông biết vượt khó làm giàu. Bên cạnh việc làm ruộng, anh chị đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi chim cút lấy trứng. Với gần hai ngàn chim cút, mỗi tháng anh chị cũng thu lãi trên chục triệu đồng. Ngôi nhà cấp 4 cũ nay đã được xây mới bằng ngôi nhà hai tầng mới, khang trang. Những ngày cuối năm, không khí đón tết của gia đình chị nhộn nhịp hơn hẳn. Bên nồi bánh chưng đã đỏ lửa xua tan cái lạnh mùa đông, Chị Trào vui vẻ nói: “Năm nay con trai tôi đi bộ đội tận Nha Trang được về quê ăn tết, gia đình sẽ mua thêm chiếc tivi mới để cả nhà xem cầu truyền hình giao thừa…” Cụ Nguyễn Thị Thắng, 80 tuổi ở xã Hoàng Lâu, Tam Dương chia sẻ niềm vui khi thấy con cháu của cụ ai cũng có cuộc sống no ấm đủ đầy: “Thời tôi còn trẻ, Tết đến nhiều nhà còn lo chạy gạo. Còn bây giờ nhiều người đã thoát nghèo, nên Tết ở nông thôn thêm phần sung túc. Tôi rất mừng là thấy Đảng và Nhà nước đang tập trung lo cho nông dân, đời sống nông thôn phát triển lên”. Những ngày cuối năm, ở nông thôn, dù không khí đón Tết không nhộn nhịp như ở thành thị, nhưng phần nhiều nông dân như quên đi những vất vả để hướng về một năm mới ấm áp, đủ đầy. Tết đến, nhà nào cũng có cành đào trang trí đẹp mắt, lọ hoa tươi để bàn cùng mâm ngũ quả dâng cúng ông bà tổ tiên. Người dân ở nông thôn không rình rang bia, rượu đắt tiền mà đậm đà tình làng, nghĩa xóm. Mùng một, con cháu đến thăm chúc tết ông bà nội ngoại, mùng hai đi chơi bạn bè, hàng xóm. Họ gặp nhau ăn trầu, uống nước, bên mâm cơm năm mới, tâm tình trò chuyện, cùng chia sẻ những việc làm ăn trong năm cũ, những dự định trong năm mới, rồi chúc nhau nhiều sức khỏe, nhiều may mắn, làm ăn phát đạt… Tết của người nông dân không không “phú quý”, tuy mộc mạc, giản dị nhưng thắm đượm tình người. Bài, ảnh Phương Loan |