Việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở đã đi vào nền nếp, đời sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Vĩnh Tường. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư và văn hóa công sở trong toàn huyện; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hội viên người cao tuổi xã Vũ Di thường xuyên tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ảnh: Trường Khanh
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngũ Kiên Cao Thị Mai Phương cho biết: "Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa địa phương; chỉ đạo các thôn dân cư bổ sung, cụ thể hóa nội dung chỉ thị vào quy ước, hương ước của các khu dân cư".
Hằng năm, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua nhằm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hiện nay, 100% đám cưới ở xã Ngũ Kiên được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm; hơn 98% đám tang thực hiện hình thức hỏa táng. Đối với hoạt động mừng thọ, xã chỉ đạo Hội Người cao tuổi phối hợp các thôn vào dịp cuối năm tổ chức tổng kết và chúc thọ theo quy định các cụ cao tuổi tại nhà văn hóa các thôn.
Bà Đặng Thị Lâm, thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh bày tỏ: "Trước đây, người dân trong thôn vẫn quen chôn cất người qua đời bằng hình thức địa táng, rất ít gia đình sử dụng hình thức hỏa táng, bởi họ quan niệm, đi hỏa táng không tốt cho người mất. Khi gia đình có việc hiếu vẫn giữ thói quen làm cỗ mời khách tới viếng và thực hiện các nghi thức rườm rà như lăn đường, chèo đò, chống gậy, sử dụng nhiều vàng mã rải đường, đốt cúng tế lễ...
Sau khi Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào đời sống, nhiều hủ tục trong đám tang đã được người dân dần xóa bỏ. Đa số các gia đình khi có người thân qua đời đều sử dụng hình thức hỏa táng, tình trạng rải tiền vàng, ăn uống mời khách đến viếng đã giảm đáng kể".
Ghi nhận ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cho thấy, hiện nay, ở các khu dân cư, việc cưới được người dân tổ chức đơn giản, lành mạnh theo đúng hương ước, quy ước của địa phương và quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thay vì tổ chức linh đình, mời khách kéo dài nhiều ngày, các gia đình tổ chức gọn nhẹ, các tục dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu đã tổ chức ngắn gọn, đơn giản hơn trước. Thời gian tổ chức lễ cưới được các gia đình rút gọn chỉ trong 1 ngày; sau lễ cưới, các gia đình đã cắt bỏ tục lệ ăn lại mặt giữa hai gia đình nhà trai và nhà gái.
Việc đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện trang trọng tại trụ sở UBND các xã, thị trấn. Các hoạt động tổ chức ngày kỷ niệm truyền thống đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu của Chỉ thị số 11.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thực hành văn minh nơi công sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt.
Nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Thanh Tuyền