Hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, tỉnh đã tập trung phát triển mô hình các khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái thân thiện môi trường. Qua đó thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn và đón dòng vốn đầu tư xanh.
Với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hạ tầng hiện đại, khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thế Hùng
Trên thực tế, KCN phát triển theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn cao của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm xã hội.
Với tầm nhìn đổi mới và nhất quán xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Vĩnh Phúc xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển KCN theo mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục đầu tư, ưu tiên quỹ đất sạch phát triển hạ tầng các KCN.
Với lợi thế về vị trí địa lý cùng hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, đồng bộ theo hướng thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển công nghiệp xanh, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) do Công ty cổ phần Vina - CPK làm chủ đầu tư trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút hơn 73 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động.
Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả như Nippon Paint Vĩnh Phúc, TAL Việt Nam, Weldex Vina, Assa Abloy, Polaris…
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án, Công ty cổ phần Vina - CPK, chủ đầu tư KCN Bá Thiện 2 cho biết: Trên thực tế, sức hấp dẫn của KCN Bá Thiện 2 không chỉ đến từ vị trí địa lý mà còn ở sự đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về công nghệ.
Với hệ thống xử lý nước thải đạt công suất 10.000m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông, hạn chế tối đa việc các nhà máy phải phân bố lại kế hoạch sản xuất do việc nâng cấp, sửa chữa mặt đường.
Hệ thống đường nội bộ của KCN được bổ sung diện tích lớn cây xanh, thảm cỏ trên vỉa hè và dải phân cách, tạo cảnh quan xanh mát cho KCN. Hệ thống cấp thoát nước của KCN đều đi ngầm dưới hành lang hai bên đường, tạo an toàn cho các phương tiện và công nhân lưu thông trong KCN... từ đó tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương.
Với mục tiêu xây dựng KCN Nam Bình Xuyên theo hướng KCN xanh, thông minh, hiện đại bậc nhất miền Bắc, đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, hiện nay, Tập đoàn PNX Group của Hàn Quốc và Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech (CNCTech Group) đang tích cực triển khai xây dựng hạ tầng KCN theo hướng hiện đại gồm hệ thống kho bãi tự động IMS, hệ thống an ninh sử dụng AI, hệ thống hồ điều hòa rộng hơn 10 ha và sử dụng pin mặt trời bao phủ toàn bộ mái xưởng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CNCTech Group cho biết: KCN Nam Bình Xuyên có tổng diện tích 295,74 ha, trong đó phần đất xây dựng hạ tầng KCN 290,152 ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đi vào hoạt động, KCN sẽ trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt dự án ưu tiên thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện tử, viễn thông, linh kiện ô tô, thiết bị y tế, quang học cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.162 ha. Thu hút đầu tư nhiều năm qua liên tiếp trở thành điểm sáng của cả nước. Đến tháng 9/2024, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; giải quyết việc làm cho hơn 140 nghìn lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Riêng 10 tháng năm 2024, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đạt 581,4 triệu USD, vượt 45,35% kế hoạch giao đầu năm, trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... góp phần đưa tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 21.320 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc có 29 KCN và thu hút được các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành; phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của các KCN tại địa phương thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, khu dịch vụ logistics; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN.
Mai Liên