Lược sử về bình đẳng là cuốn sách kinh tế chính trị gai góc, thú vị, thảo luận về một vấn đề quan trọng với nguồn tư liệu tham khảo dày dặn và các dẫn chứng phong phú.
Thomas Piketty là nhà kinh tế học hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng. Ông là tác giả cuốn sách Tư bản thế kỷ 21 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam.
Trong cuốn sách này, Thomas Piketty nhìn lại lịch sử quá trình vươn tới bình đẳng của loài người, sự ra đời và phát triển của phong trào hướng tới bình đẳng trong xã hội - kinh tế - chính trị.
Trong thời đại dễ làm ta thấy bi quan này, cuốn sách bộc lộ một cái nhìn rất lạc quan: Loài người đang vững vàng tiến gần hơn đến sự bình đẳng, dù quá trình này có ngắt quãng và chẳng hề suôn sẻ.
Tác giả khảo sát sự bất bình đẳng và bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua chính trị và các thước đo chất lượng cuộc sống con người (tuổi thọ bình quân, cơ hội giáo dục, tỉ lệ mù chữ, các quyền con người như quyền bầu cử…).
"Lược sử về bình đẳng" bộc lộ cái nhìn lạc quan: Loài người đang vững vàng tiến gần hơn đến bình đẳng.
Qua đó, ông khẳng định lịch sử loài người từ xưa đến nay luôn tồn tại bền bỉ một phong trào hướng tới bình đẳng hơn về xã hội, kinh tế và chính trị. Lịch sử này không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thẳng tắp, có rất nhiều những phong trào nổi dậy và các cuộc cách mạng, các cuộc đấu tranh xã hội và khủng hoảng.
Tuy bất bình đẳng vẫn đang tồn tại ở mức độ đáng kể và phi lý ở mọi phương diện (địa vị, tài sản, thu nhập giới tính, xuất thân…) nhưng sự thực là các xã hội vẫn đang tiến đến gần hơn tới một hệ thống phân phối thu nhập và tài sản công bằng, giảm bất bình đẳng giới tính và chủng tộc, đồng thời mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và quyền công dân hơn cho mọi người.
Theo đề xuất của Piketty, giải pháp để đẩy lùi vấn đề minh bạch và vấn đề bất bình đẳng ở đây chính là nghiêm túc xem xét hình thái chủ nghĩa xã hội: Một hình thái dân chủ, có tính sinh thái và đa văn hóa.
Với sự mở rộng nhà nước phúc lợi và thuế lũy tiến, tăng cường bình đẳng giáo dục, đảm bảo việc làm, chống phân biệt đối xử và giảm bất bình đẳng về tiền tệ, đây chính là "đoạn kết hợp lý của một phong trào lâu dài hướng tới bình đẳng đã được tiến hành từ cuối thế kỷ 18".
Cũng theo Piketty, khẳng định sự hiện diện của xu hướng bình đẳng không phải là khoe khoang về thành công. Thay vào đó, điều này kêu gọi chúng ta tiếp tục cuộc chiến trên cơ sở lịch sử vững chắc.
Thông qua xem xét lại lịch sử phong trào bình đẳng, ta có thể rút ra những bài học quý giá cho tương lai và hiểu rõ hơn về những cuộc đấu tranh và vận động đã giúp thực hiện phong trào này, cũng như các cấu trúc thể chế, và các hệ thống luật pháp, xã hội, tài chính, giáo dục và bầu cử đã cho phép bình đẳng trở thành một hiện thực lâu dài.
Là một nhà nghiên cứu, Thomas Piketty đã thể hiện sự nghiêm cẩn khoa học khi dẫn ra vô số các nghiên cứu kinh tế - xã hội - lịch sử bao quát nhiều chủ đề: Chủ nghĩa tư bản, cách mạng công nghiệp, sự phân công lao động, chế độ thuộc địa, đế quốc thực dân, sự phân phối của cải giữa các giai tầng, giá cả và tiền lương, thu nhập và lợi nhuận từ đất đai, tài sản, thuế thu nhập.
Lược sử về bình đẳng giúp ta hiểu được quá trình ra đời và phát triển của các phong trào hướng tới bình đẳng trong lịch sử nhân loại, từ đó rút ra những bài học để tiếp tục cuộc chiến này ở tương lai.
Đây là một cuốn sách kinh tế chính trị gai góc, thú vị, thảo luận về một vấn đề quan trọng với nguồn tư liệu tham khảo dày dặn và các dẫn chứng phong phú.
Phương Hoa (Theo dantri.com.vn)