Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giảm phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiên phong biến phế thải thành nguồn lợi kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội.
Sản xuất phân bón hữu cơ Bamboo Organic tại Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thanh Vân (Tam Dương). Ảnh: Thế Hùng
Theo Sở NN&PTNT, lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mỗi năm có khoảng 300 nghìn tấn rơm rạ, 10 nghìn tấn vỏ trấu, 1,4 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 50 nghìn tấn chất thải rắn tại các luồng tiêu, trục tiêu.
Những chất thải này nếu không được thu gom, xử lý và sử dụng đúng cách không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người mà còn gián tiếp gây lãng phí một nguồn “tài nguyên chất thải” quý giá.
Trong khi đó, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12 nghìn tấn phân hữu cơ, vi sinh. Đây là những lợi thế rất lớn để các đơn vị, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ phát triển.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Bamboo Organic của HTX nông nghiệp hữu cơ Thanh Vân (Tam Dương) đã cung cấp hơn 2 nghìn tấn sản phẩm phân bón hữu cơ các loại ra thị trường với nguồn nguyên liệu là chất thải chăn nuôi và các phế phẩm nông nghiệp.
Nhận thấy nguồn lợi lớn từ chất thải nông nghiệp, cuối năm 2021, HTX được thành lập và đi vào vận hành nhà máy sản xuất phân bón với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Nhà máy đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp phép sản xuất phân bón hữu cơ công suất 16 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Để tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ với nguồn nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp, sau khi thu mua, tập kết về nhà máy, HTX sẽ xử lý, sàng thô để loại bỏ tạp chất; tiếp theo phối trộn với men vi sinh và ủ nhằm khử mùi, khử nấm và khuẩn có hại. Sau thời gian trải qua đánh giá khắt khe đến khi đảm bảo yêu cầu mới được đưa lên dây chuyền sản xuất để tạo ra phân hữu cơ thành phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thanh Vân cho biết: Mỗi năm, HTX thu mua, xử lý hơn 3 nghìn tấn phế, phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra phân bón hữu cơ; giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương.
Hiện, HTX đã sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao đa dinh dưỡng như phân hữu cơ Bamboo Organic - OM50, phân hữu cơ Bamboo Organic - OM35, đạm cá Humic và nhiều sản phẩm, chế phẩm hữu cơ khác... Đây là những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời cải tạo độ màu mỡ cho đất và bảo vệ môi trường.
Biến chất thải trong chăn nuôi thành nguồn tài nguyên hữu ích, Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech (Tam Dương) đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường.
Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ hiện được xem là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp, vì vậy, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng.
Để sản xuất phân bón hữu cơ, công ty đã thu gom chất thải chăn nuôi từ các trang trại, cơ sở chế biến nông sản làm nguyên liệu đầu vào, tạo ra phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng.
Hơn 5 năm đi vào hoạt động, công ty đã đưa ra thị trường hơn 100 sản phẩm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường trên 10 nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng.
Ngoài ra, Công ty hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai dự án sản xuất phân bón hữu cơ ở các tỉnh phía Nam, mục tiêu hết năm 2025 đạt khoảng 50 nghìn tấn phân hữu cơ/năm và xử lý 150 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi lợn, gà thành nguyên liệu hữu cơ chất lượng nhằm cung cấp cho các đối tác sản xuất phân bón.
Thực hiện Quyết định số 540/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030, tỉnh đề ra mục tiêu 50% phụ phẩm từ trồng trọt, 50% bùn thải, nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý, tái chế sử dụng; 80% hộ gia đình, 100% trang trại ứng dụng công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi, tái sử dụng thành các nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường...
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành các sản phẩm giá trị gia tăng như phân bón hữu cơ, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, năng lượng tái tạo, thức ăn cho trùn quế... nhằm bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp theo quy trình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Mai Liên