Thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đường bộ tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, tạo động lực phát triển KT-XH. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai các dự án giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp gồm các tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D. Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 1.132 km.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; cơ bản hoàn thành bảo đảm khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh; nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo quy hoạch; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực thành phố Vĩnh Yên…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, tạo động lực phát triển KT-XH. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh dành khoảng 50 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông từ nguồn ngân sách; trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng cho các công trình, dự án giao thông do cấp tỉnh quản lý.
Là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh (tuyến đường Vành đai 5 - Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang) góp phần hình thành mạng lưới giao thông kết nối với các tuyến trục chính quốc gia, liên kết các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời kết nối chuỗi phát triển du lịch, dịch vụ khu vực phía Nam dãy núi Tam Đảo.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.134 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 666 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đã cấp cho dự án là hơn 1.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay, dự án mới giải ngân được 588 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tổng chiều dài toàn bộ tuyến của dự án là 26,7 km, đi qua 8 xã, thị trấn thuộc các huyện, thành phố Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo. Dự án có gần 45 ha diện tích GPMB là đất trồng lúa, hơn 2,8 ha thuộc khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng khu tái định cư và mở rộng 2 nghĩa trang nhân dân phục vụ công tác GPMB dự án vẫn chưa được phê duyệt do phải chờ kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; chủ đầu tư gặp khó khăn trong xác định cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định thiết kế các hạng mục di chuyển đường điện, các khu tái định cư và mở rộng nghĩa trang nhân dân…
Tại thành phố Phúc Yên, tổng chiều dài dự án đi qua là gần 9 km, diện tích GPMB dự án trên địa bàn thành phố là 49,3 ha, trong đó, có 21 ha chưa có trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của thành phố.
Đơn vị thi công Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục dự án. Ảnh: Thế Hùng
Để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thường xuyên đôn đốc nhà thầu, kiểm tra, giám sát tiến độ thi công; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để kịp thời tháo gỡ.
Qua việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy phần lớn các dự án đều gặp khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt đối với các dự án giao thông trọng điểm, có diện tích đất thu hồi lớn. Trong đó, việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn của một số dự án vượt thẩm quyền cấp tỉnh, phải đề xuất đến các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện.
Với quan điểm “Giao thông đi trước mở đường”, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, quyết tâm không để khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ưu tiên đối với các dự án trọng điểm.
Các đơn vị chuyên môn tập trung rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, thực hiện phương án tái định cư… hướng dẫn các địa phương triển khai đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cần theo sát tiến độ giải quyết của các cơ quan Trung ương, báo cáo UBND tỉnh đôn đốc; đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trong quá trình thực hiện dự án.
Yêu cầu chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu triển khai dự án với phương châm “Có mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó”, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào khai thác, sử dụng.
Hoàng Sơn