Sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực trong cuộc sống thường ngày. Trong đó, mô hình chợ 4.0 đã và đang lan tỏa từ thành thị đến các vùng nông thôn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn.
Tại chợ Vĩnh Yên, hầu hết các khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán. Ảnh: Thế Hùng
Chợ 4.0 hay còn gọi là chợ công nghệ, là hình thức người mua và người bán sử dụng các ứng dụng công nghệ để thanh toán các giao dịch mua bán ngay tại chợ mà không cần đến tiền mặt bằng cách quyét mã QR code hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của Viettel Money. Đây là nền tảng thanh toán được ứng dụng trực tuyến ngay trên thiết bị di động, cho phép người dùng thực hiện mọi giao dịch thanh toán mọi lúc, mọi nơi, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn tài chính cho khách hàng.
Để rút ngắn khoảng cách giữa “truyền thống” và “hiện đại”, năm 2022, Viettel Vĩnh Phúc đã triển khai chương trình “Đi chợ công nghệ - Để Viettel Money lo” thông qua mô hình chợ 4.0 tại một số chợ của 7/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mô hình đã được lan tỏa đến nhiều chợ truyền thống tại các vùng quê, giúp người dân được trải nghiệm những dịch vụ thanh toán tiện ích vượt trội, thu dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đem lại sự an toàn cho người dùng trong các hoạt động giao dịch tài chính.
Là một trong những tiểu thương đầu tiên tại Chợ - Trung tâm thương mại thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) được Viettel Vĩnh Phúc hỗ trợ, lắp đặt miễn phí các ứng dụng triển khai mô hình chợ 4.0, chị Dương Thị Oanh, chuyên kinh doanh các loại quần áo cho biết: Với phương thức thanh toán tiện lợi, đơn giản, mô hình chợ 4.0 đã đem lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Người mua rất an tâm trong khoản giữ tiền, không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại, còn người bán có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi mà không sợ quên tiền mặt và đảm bảo an toàn, không sợ nhầm lẫn cho cả đôi bên.
“Mô hình chợ 4.0 không chỉ đem đến lợi ích cho khách hàng khi thanh toán mà còn nhiều ưu đãi hữu ích cho các tiểu thương, không giới hạn giá trị và số lượng giao dịch. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại. Qua đó, giúp các tiểu thương có thể mở rộng các kênh buôn bán, thúc đẩy kinh doanh, nâng cao thu nhập” - ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại thị trấn Yên Lạc chia sẻ.
Là huyện trọng điểm công nghiệp, thu hút đầu tư, với nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán sầm uất, thời gian qua, huyện Bình Xuyên đã quyết liệt trong việc thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Nhờ đó, người dân trên địa bàn, đặc biệt các tiểu thương kinh doanh buôn bán tại các chợ đã sớm ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh buôn bán.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, Trưởng Ban Quản lý chợ, trung tâm thương mại Bình Xuyên cho biết: Ngay sau khi chợ 4.0 được triển khai, các tiểu thương đều hài lòng, tích cực hưởng ứng, sử dụng bởi những lợi ích đem lại.
Hiện nay, 50% gian hàng tại chợ tham gia mô hình chợ 4.0 và 80% khách hàng mua sắm tại chợ lựa chọn thanh toán điện tử bằng cách chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money, quyét mã QR code tại quầy hàng, chuyển khoản.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, Ban Quản lý chợ sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng thanh toán hiện đại trong các giao dịch mua bán, góp phần thực hiện xây dựng xã hội số, chính quyền số trên địa bàn.
Góp phần lan tỏa chợ công nghệ số, tích cực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, Viettel Vĩnh Phúc đang phối hợp thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) thực hiện mô hình CĐS toàn diện tại địa phương.
Cùng với CĐS các hạng mục thuộc khu vực công; phát triển đơn vị thu chi hộ, thị trấn sẽ xây dựng 2 tuyến phố không tiền mặt tại phố Đồi Cao và phố Hợp Châu. Đồng thời, tư vấn giới thiệu phương thức thanh toán bằng mã QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; hỗ trợ mở tài khoản, cài đặt phần mềm và trang bị ấn phẩm mã QR cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; hướng dẫn người dân thanh toán mua bán hàng hóa bằng phương thức quét mã QR.
Đây sẽ là tiền đề, cơ hội để chợ 4.0 nói riêng, công nghệ số nói chung lan tỏa tại thị trấn Hợp Châu và các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo, hiện thực hóa mục tiêu CĐS trên địa bàn.
Với nhiều lợi ích kép như thanh toán dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, hiện nay, các địa phương, Ban quản lý chợ trên địa bàn đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích các tiểu thương và khách hàng tích cực ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2023, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10% - 10,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.
Hồng Tính