Hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo giá trị gia tăng cao trên cùng diện tích đất canh tác, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Qua đó khai thác tốt tiềm năng thế mạnh ở địa phương.
Gia đình anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô) trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, hạn chế tác động bất thường của thời tiết tới cây trồng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ năm 2008 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn các địa phương chuyển đổi hơn 13 nghìn ha diện tích đất trồng lúa bấp bênh, không chủ động nước, năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như rau màu các loại, chuối, bưởi, thanh long ruột đỏ, phật thủ, ớt, cây gai xanh lấy sợi, tía tô xanh hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2023, anh Nguyễn Ngọc Ánh, thôn Thượng Trưng, xã Đức Bác (Sông Lô) đầu tư gần 4 tỷ đồng thầu lại gần 3 ha đất nông nghiệp trồng lúa của một số hộ dân trên địa bàn để chuyển đổi sang quy hoạch đào 28 ao nuôi cua với diện tích 300 m2/ao và thả 3 tấn cua; thiết kế rào chắn thép xung quanh khu vực ao nuôi với chiều cao khoảng 30 cm.
Theo anh Ánh, ao nuôi cua địa thế phải bằng phẳng, giữ nước tốt, nguồn nước dồi dào, nước không bị ô nhiễm. Thức ăn cho cua rất đa dạng, thiên về cá tạp, ốc, hến; nên cho cua ăn thức ăn vừa đủ, đảm bảo chất lượng nước vừa giúp cua tiêu hóa tốt và hạn chế hao phí thức ăn, hạ giá thành nuôi.
Sau 4 tháng nuôi, tháng 10 vừa qua, sản lượng cua thu hoạch của gia đình đạt 9 tấn, với giá bán 130 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu lãi 300 triệu đồng. Hiện nay, trang trại của gia đình anh đang tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Hai năm trước, gia đình chị Vương Thị Bằng, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) đã thuê 10 mẫu đất của các hộ dân để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại rau, củ, quả theo mùa và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Theo chị Bằng, khi canh tác lúa phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, năm nào thời tiết thuận lợi thì sản xuất được hai vụ, không thì chỉ sản xuất được một vụ, năng suất lúa cao nhất cũng chỉ đạt 2 tạ/sào.
Đối với rau màu thì trồng được quanh năm lại phù hợp với thổ nhưỡng, sử dụng nước tưới ít mà năng suất cao, thu nhập gấp đôi so với trồng lúa, mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 450 triệu đồng từ trồng rau màu.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ gần 4.000 tấn lúa giống chất lượng gồm TBR225, Thiên ưu 8, Tân ưu 98, ADI 28, DQ11, ADI168, Hương cốm 4, DT39 Quế Lâm, Hà Phát 3 trên diện tích gần 80 nghìn ha đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; gần 9.000 ha sản xuất rau, quả hàng hóa; hỗ trợ cá Tầm, cá nheo Mỹ, cá trắm và ếch Thái Lan trên thể tích 6.400 m3 cho các hộ trên địa bàn 4 huyện, thành phố: Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên, Tam Đảo.
Đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh ước đạt 77% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, thanh long ruột đỏ, ớt quả... được phát triển theo vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm trồng trọt đáp ứng về nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung cấp lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đưa tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước tăng 1,5-1,6%.
Nhằm tăng thu nhập cho người dân, tỉnh tiếp tục tập trung chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có thế mạnh, thân thiện với môi trường; mở rộng các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sơ chế, chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho nhân dân.
Nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường. Bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý.
Mai Liên