Việc tự ý bắt xe, dừng đón, trả khách trên đường cao tốc không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tình trạng người dân bắt xe trên đường cao tốc vẫn thường xuyên diễn ra.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 265 km, đi qua 5 tỉnh và thành phố. Trong đó, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài hơn 40km. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch phía Bắc vì kết nối kinh tế giữa các địa phương, rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân.
Tuy nhiên, tại hai bên đường cao tốc, việc vi phạm hành lang an toàn giao thông thường xuyên diễn ra. Nhức nhối nhất là tình trạng người dân tự ý phá dỡ hàng rào bảo vệ để tạo lối đi lên đường cao tốc bắt xe khách hoặc giao, nhận hàng hóa.
Với thiết kế vận tốc cho phép ô tô lưu thông lên tới 100km/giờ, hành vi này của người dân cực kỳ nguy hiểm. Ngày 13/9 vừa qua, tại km40+ 800 (trái tuyến), thuộc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn qua địa bàn huyện Lập Thạch, một người phụ nữ đi bộ để bắt xe trên đường cao tốc đã bị chiếc ô tô không rõ biển kiểm soát đâm tử vong tại chỗ.
Mặc dù thông tin vụ việc được tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, tình trạng phá dỡ hàng rào, cố tình lên đường cao tốc bắt xe vẫn tái diễn.
Tại Km14+100, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên), mặc cho các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, từng nhóm người dân vẫn ngang nhiên đứng thành tốp để chờ bắt xe bên lề đường. Trong ánh đèn nhập nhoạng, khi phát hiện xe chạy đúng lộ trình, một số thanh niên liều lĩnh tiến ra sát đường để ra tín hiệu. Bất chấp nguy hiểm, lái xe cũng thản nhiên xi nhan táp vào lề đường dừng lại đón khách.
Ngoài địa điểm trên, còn nhiều khu vực khác cũng thường xuyên bị người dân tự ý cắt bỏ hàng rào để tạo lối lên, xuống như Km8 + 800, Km9+300 phường Nam Viêm (thành phố Phúc Yên), Km 15 + 800 xã Tam Hợp (Bình Xuyên)….
Thậm chí tại điểm Km 25 và Km26, thị trấn Kim Long (Tam Dương) để thuận lợi cho việc đi lại mỗi khi trời mưa, người dân còn san, lấp, tạo lối đi thành bậc thang. Tại 2 điểm này, trong 30 phút, phóng viên thấy có tới hàng chục người cùng với đủ thứ hàng hóa đi lên cao tốc để bắt xe. Theo người dân, họ nhận thức rõ được mối nguy hiểm tiềm ẩn nhưng vì tiện và nhanh nên cố tình vi phạm để rút ngắn thời gian di chuyển.
Đội phó Đội Vận hành số 1 Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai Hoàng Cao Khanh cho biết: Những điểm bắt xe như vậy đã tồn tại từ nhiều năm nay, gây bức xúc cho người đi đường.
Hằng ngày, đơn vị bố trí tổ tuần tra, kiểm soát dọc tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Khi phát hiện địa điểm hàng rào bị tháo dỡ sẽ nhanh chóng hàn gắn lại, đồng thời lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý.
Hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường cao tốc thường xuyên bị người dân phá dỡ để lên đường cao tốc bắt xe khách.
Tuy nhiên, có những điểm, khi lực lượng chức năng vừa khắc phục xong, nhưng chỉ một lúc sau lực lượng chức năng đi khỏi, điểm này lại tiếp tục bị người dân cắt, phá thành từng mảng to. Đây không chỉ là hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước mà còn làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc.
Từ năm 2015 đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn rất nghiêm trọng, thiệt hại về người và hư hỏng nhiều tài sản giá trị. Nguyên nhân chủ yếu là do xe ô tô khách bất ngờ dừng đón, trả khách, xe phía sau không làm chủ được tốc độ nên đã xảy ra va chạm.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm của người dân, đơn vị đã lắp đặt gần 100 mắt camera dọc tuyến đường. Phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an tuần tra, bố trí lực lượng trực chốt tại các "điểm nóng" để tuyên truyền, nhắc nhở, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Theo đó, áp dụng Nghị định số 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc, người điều khiển xe bị xử phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
Đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải để đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc cũng bị xử phạt 10 - 12 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp còn bị tước phù hiệu 1 - 3 tháng, lái xe bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Trên cơ sở quy định pháp luật, cơ quan chức năng đề nghị chính quyền các địa phương, cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Từ đó, chấm dứt hoàn toàn tình trạng bắt xe, đón, trả khách trên đường cao tốc vì an toàn cho chính bản thân hành khách và cộng đồng xã hội.
Bài, ảnh: Lê Minh