Nhờ sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế, anh Hà Cương Quyết (sinh năm 1987), thôn Xy, xã Tân Lập, huyện Sông Lô được biết đến là tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương với mô hình chăn nuôi gà thả đồi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xuất ngũ năm 2008, anh Quyết trở về địa phương tham gia Ban Chỉ huy quân sự xã. Sau khi kết hôn vào năm 2012, vợ chồng anh Quyết bàn bạc, quyết tâm khởi nghiệp bằng cách xây dựng mô hình kinh tế ổn định lâu dài trên chính mảnh đất quê hương.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, anh Quyết thử nghiệm nuôi nhiều con giống như gà, ngan, lợn và trồng nhiều loại cây để so sánh hiệu quả kinh tế mang lại.
Tuổi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt nhưng bù lại anh Quyết rất nhanh nhạy trong việc tìm tòi, nắm bắt thông tin. Anh thường xuyên đọc sách, báo, lên mạng tìm hiểu những phương pháp chăn nuôi, lựa chọn vật nuôi phù hợp với khí hậu, điều kiện của địa phương cũng như kinh nghiệm chọn con giống, chăm sóc vật nuôi.
Không chỉ vậy, anh còn tham gia các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và kết nối với chủ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong và ngoài tỉnh để trực tiếp đến tham quan, học hỏi và xây dựng mô hình chăn nuôi cho gia đình.
Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2021, nắm bắt nhu cầu của người dân về gà thịt chất lượng cao, từ nguốn vốn tích lũy và vay từ ngân hàng, anh đầu tư 500 triệu đồng phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi số lượng lớn.
Anh Quyết lựa chọn nuôi giống gà Lai hồ được nhập từ Thái Nguyên, bởi dễ nuôi, phù hợp với điều kiện bán chăn thả, có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Để đảm bảo chăn nuôi đạt chất lượng tốt, anh chủ động liên hệ nhờ sự tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, bác sĩ thú y; tham gia tích cực các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt mở tại địa phương. Qua thời gian, mô hình chăn nuôi gà thả đồi của gia đình anh mang lại nguồn thu nhập đáng kể hằng năm.
Mô hình chăn nuôi gà thả đồi của gia đình anh Hà Cương Quyết mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, trên tổng diện tích 1.200 m2, trong đó, diện tích 2 chuồng 400m2, đàn gà được nuôi thả theo hình thức gối đàn, mỗi lứa 2.000 con, mỗi năm nuôi từ 3- 4 lứa.
Gà nuôi khoảng 3 - 4 tháng là có thể bán ra thị trường. Nếu chăm sóc tốt, gà có thể đạt trọng lượng bình quân trên 2,2kg/con. Với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg (những lúc cao điểm như lễ, Tết, giá tăng hơn), mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Tất cả gà xuất bán đều được thương lái đến đặt mua tại nhà.
Theo anh Quyết, mô hình nuôi gà thả đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là cám, lúa, ngô, rau xanh, tiết kiệm được chi phí. Trong khi đó, vốn đầu tư chuồng trại không cao, xung quanh nhà và khu chăn thả, anh dùng các vật liệu như lưới sắt, nylon để đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp, thoáng mát cho đàn gà.
Những năm gần đây, anh Quyết sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, quy trình chăn nuôi đảm bảo, gà nuôi của gia đình anh được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP vào năm 2023.
Trưởng thôn Xy Đỗ Thị Hồng Anh cho biết: “Mạnh dạn đầu tư, chọn hướng phát triển chăn nuôi phù hợp, anh Quyết là tấm gương làm giàu trên chính quê hương. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh đã trở thành mô hình điểm để người dân địa phương học tập kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Bài, ảnh: Thảo My