Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), nguồn đất san nền...; nâng cao chất lượng và tính đồng bộ trong quy hoạch xây dựng; thu hút các nhà đầu tư chiến lược... là những giải pháp tỉnh đề ra, hướng tới mục tiêu phát triển các khu công nghiệp (KCN) theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, tạo ra giá trị dài hạn, đảm bảo sự cân bằng và tính hiệu quả.
Hàng rào xanh thân thiện môi trường cùng hạ tầng đồng bộ giúp khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) hấp dẫn các nhà đầu tư, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Chu Kiều
Nhiều khó khăn, thách thức
Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 3.100 ha. Các KCN có đóng góp rất lớn trong việc thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động và là nhân tố quan trọng đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế nhanh trên cả nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các KCN đã và đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực thi pháp luật từ công tác BT-GPMB, đến năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN còn hạn chế, hạ tầng một số KCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao; giá thuê đất cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các KCN của tỉnh mới đạt 44,62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (gần 70%).
Đặc biệt, các dự án FDI đầu tư vào KCN phần lớn ứng dụng công nghệ trung bình, có một số dự án có công nghệ cao thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, nhưng còn rất hạn chế. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, lĩnh vực dệt may. Vốn thực hiện của dự án đạt trung bình từ 60 - 65% so với tổng vốn đầu tư.
Tiến độ triển khai các dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) còn chậm hơn so với dự án FDI bởi các nhà đầu tư DDI gặp khó khăn trong thu xếp vốn triển khai dự án, đơn hàng không bền vững, mục tiêu dự án tập trung nhiều ở nhóm ngành xây dựng, cho thuê nhà xưởng dễ bị ảnh hưởng do tác động của thị trường và biến động kinh tế.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Phúc cần tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, công nghệ cao, chuyên ngành; lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, bảo đảm bền vững về môi trường...
Vừa là nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhà đầu tư thứ cấp của hơn 10 dự án khác nhau tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời hợp tác kinh doanh tại hơn 100 quốc gia, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane - chủ đầu tư KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (giai đoạn I) đề xuất: Thời gian tới, tỉnh cần thu hút những doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao, có tỉ suất đầu tư lớn, sử dụng ít năng lượng hóa thạch, giảm thiểu phát thải; doanh nghiệp trụ cột và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đạt được sự phát triển đột phá…
Cùng với đó, hạ tầng ngoài hàng rào cần đồng bộ và sẵn sàng; phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ; đảm bảo nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.
Đảm bảo phát triển kinh tế bền vững
Xác định các KCN ở tỉnh phải phát triển theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu khách quan và thực tiễn, tỉnh chủ trương phát triển KCN lấy hiệu quả sử dụng đất, lấy lựa chọn các dự án thứ cấp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng làm mục tiêu hàng đầu; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đồng thời lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực tài chính, giàu kinh nghiệm trong quản lý và xúc tiến đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, sau đó mới tiến hành thu hút đầu tư các dự án mới phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Tại hội nghị UBND tỉnh tổ chức mới đây để tìm giải pháp phát triển các KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nổi cộm hiện nay liên quan đến mặt bằng sạch, giá thuê nhà xưởng...
Ban Quản lý các KCN tỉnh nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về KCN; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nghiên cứu, có chính sách mang tính dài hạn, ổn định trong hỗ trợ phát triển KCN; xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện để thực hiện dự án theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh...
Các chủ đầu tư hạ tầng KCN tập trung nguồn lực tối đa để triển khai dự án đảm bảo hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đạt chất lượng,.. bởi “Các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc; Doanh nghiệp giàu - Vĩnh Phúc phát triển”.
Lưu Nhung