Thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại các địa phương, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.
HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung (Vĩnh Yên) tuân thủ quy trình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mỗi năm khoảng 300 nghìn tấn rơm rạ, 10 nghìn tấn vỏ trấu, 1,4 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 50 nghìn tấn chất thải rắn tại các luồng tiêu, trục tiêu…
Trong khi đó, lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu xử lý theo phương pháp thủ công, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.
Việc áp dụng KTTH trong sản xuất nông nghiệp với quy trình sản xuất khép kín, trong đó phế, phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất kia thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật là rất cần thiết.
Thực hiện đề án của Chính phủ, tỉnh đã triển khai 8 chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn.
Đó là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; triển khai mô hình IPM, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt; thu gom, xử lý vỏ bao bì đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; quản lý, bảo vệ rừng, ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25%.
Giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh hỗ trợ triển khai 29 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 680 ha; 18 mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu hữu cơ; 5.000ha sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ.
Hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ với quy mô 2.000 con gà tại xã Đồng Quế (Sông Lô), 200 con lợn tại xã Văn Quán (Lập Thạch); mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ với quy mô 1.900 con lợn, hơn 3.000 con gà.
Hỗ trợ gần 280 tấn chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; 420 tấn chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ; hỗ trợ thu gom, thiêu hủy hơn 20 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 28 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chuyển giao quy trình kỹ thuật, hỗ trợ phân bón trong 3 năm đối với HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung (Vĩnh Yên).
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất rau hữu cơ, chất lượng nông sản của HTX được nâng lên, môi trường sản xuất được cải thiện, đầu ra sản phẩm được đảm bảo.
Năm 2022, HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (đơn vị được chứng nhận đủ điều kiện thực hiện quản lý về an toàn thực phẩm, hợp chuẩn, hợp quy nông sản, thực phẩm) chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ với quy mô 3ha.
Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 700 - 800kg rau sạch cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và khu vực Hà Nội. HTX hiện có 35 thành viên. Năm 2023, thu nhập trung bình của mỗi thành viên đạt 8-10 triệu đồng/tháng.
Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung Nguyễn Thị Hương Hồi cho biết: “Nhờ sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, chất lượng nông sản của HTX đồng đều, giữ được độ tươi lâu và có vị ngọt hơn khi chế biến. Giá sản phẩm nhờ đó cao gấp 1,5 lần so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp cải tạo đất, đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khỏe cho nông dân.
Để đảm bảo các hộ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, HTX chia thành viên làm 7 nhóm, kiểm tra chéo lẫn nhau, đồng thời bộ phận giám sát của HTX, khách hàng cũng thường xuyên kiểm tra, đảm bảo quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm”.
Sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ của HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đánh giá hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Việt Xuân cho biết: “Các chương trình hỗ trợ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KTTH trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn lợi giúp gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân; đồng thời đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”.
Thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 2,5 - 2,7%; 50% phụ phẩm từ trồng trọt được xử lý, tái chế sử dụng; 80% hộ gia đình, 100% trang trại ứng dụng công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi, tái sử dụng thành các nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường; 80% trang trại, 50% HTX nông nghiệp được tiếp cận với quy trình quản lý, tái chế sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp…
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực phát triển KTTH; nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; tăng cường chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTH trong nông nghiệp; thực hiện lồng ghép cơ chế, chính sách phát triển KTTH trong nông nghiệp vào các chính sách, dự án liên kết vùng, các chương trình, kế hoạch liên quan của tỉnh; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn.
Hoàng Sơn