Là 1 trong 3 cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; khai thác tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý để phát triển KT - XH, hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, thông minh, cơ bản đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Vĩnh Yên được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Thế Hùng
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển đô thị thông minh trong chiến lược phát triển đô thị bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Trong lõi đô thị Vĩnh Phúc đã hoàn thiện phủ kín 15 đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị.
Đồng thời ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong phân tích lập quy hoạch; tăng cường không gian xanh, mặt nước; phát triển hạ tầng thoát nước xanh; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, chiếu sáng LED thông minh; phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; kiểm soát môi trường.
Giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị; 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng và 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Theo quy hoạch đô thị của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đô thị tỉnh bao gồm 1 đô thị trung tâm và 3 vùng kinh tế bao quanh, gồm vùng phía Bắc, vùng phía Nam và vùng phía Tây.
Những năm qua, tỉnh đã tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông liên tỉnh kết nối Vĩnh Phúc với Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang; xây dựng mới, nâng cấp các tuyến giao thông chính có tính lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế như các tuyến vành đai, đường song song đường sắt, các tuyến hướng tâm, các tuyến đường trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ... góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, đến nay, toàn tỉnh có 34 đô thị gồm 2 thành phố, 18 thị trấn và 14 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 48%.
Hệ thống đô thị trên địa bàn đang có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng; kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư; hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, giao thông công cộng được quan tâm đầu tư, khai thác, kết nối hiệu quả giữa các đô thị với nông thôn. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, cải thiện chất lượng, đảm bảo cung cấp cho cư dân đô thị.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Sở Xây dựng về việc đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (điều chỉnh lần 2) đã chỉ rõ những hạn chế như các đô thị chủ yếu quy mô nhỏ, khó khăn phát triển quỹ đất, không gian, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng đô thị nhìn chung chưa có nhiều điểm nhấn, bản sắc đặc trưng.
Tốc độ đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, việc chỉnh trang đô thị mới chỉ tập trung vào các công trình bề nổi; đô thị còn thiếu các công trình mang tính hiện đại, tạo điểm nhấn cho đô thị. Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom và chôn lấp thông thường, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Vĩnh Phúc là tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Theo Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; hệ thống đô thị Vĩnh Phúc gồm 2 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị văn minh và là thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc kết hợp với xây dựng thành phố thông minh theo hướng hiện đại, tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc so với các tỉnh, thành trong vùng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn về phát triển đô thị thông minh.
Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS; phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức.
Mai Liên