Năm 2022 chỉ số đào tạo lao động của tỉnh có sự tụt giảm, theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh đã tăng trưởng trở lại - xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy việc đào tạo lao động, chất lượng lao động của tỉnh đã được cải thiện; cần tiếp tục duy trì để góp phần cải thiện và nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Năm 2023, Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,79 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,72 điểm, tăng 11 bậc về thứ hạng so với năm 2022; cao hơn 1,03 điểm so với điểm bình quân chung cả nước (5,76 điểm) và là 1 trong 4 chỉ số thành phần của tỉnh ghi nhận sự tăng điểm.
Sinh viên khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp trong giờ thực hành. Ảnh: Thế Hùng
Trong 11 chỉ tiêu thành phần, có 8 chỉ tiêu được cải thiện so với năm 2022, 2 chỉ tiêu giữ nguyên thứ hạng, chỉ có 1 chỉ số “Tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp (DN) đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (%)” giảm bậc trên bảng xếp hạng, giảm 4,53 điểm và giảm 21 bậc so với năm 2022.
Thực tế này cho thấy, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của tỉnh trong năm 2023 đã triển khai có hiệu quả hơn các năm trước.
Mặc dù vậy, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động; sự kết nối giữa DN, cơ sở đào tạo nhân lực và các trung tâm, DN hoạt động dịch vụ việc làm còn chưa chặt chẽ. Việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy - học cũng như kết nối giữa nhà trường với phụ huynh và xã hội ở một số nhà trường còn hạn chế.
Nâng cao chất lượng đào tạo lao động, kỹ năng nghề, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau đào tạo, thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phát triển công tác GDNN, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị đào tạo.
Quan tâm chỉ đạo cơ sở GDNN tích cực, chủ động trong công tác tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên; kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo…; chú trọng công tác đào tạo kỹ năng mềm, ý thức tác phong công nghiệp cho người học để nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với tác phong làm việc trong các DN.
Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo của cơ sở GDNN còn hạn chế, việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng còn thấp. DN chưa quan tâm đến chế độ báo cáo nhu cầu tuyển dụng lao động với cơ quan quản lý Nhà nước; công tác phối hợp trong tuyển dụng lao động giữa DN với các cơ sở GDNN, trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế nên đã xảy ra tình trạng bị động trong tuyển dụng lao động, làm phát sinh chi phí tuyển dụng lao động, chi phí đào tạo lao động.
Còn một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT nên kết quả tuyển sinh hằng năm còn hạn chế, tuyển không đủ chỉ tiêu được giao, trình độ kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN.
Với mục tiêu phấn đấu duy trì chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh nằm trong các địa phương có xếp thứ hạng cao trong cả nước, duy trì đạt 7.0 điểm trở lên, mỗi chỉ số thành phần đều duy trì và phát triển ổn định, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, nhiều giải pháp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề ra là tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt quy chế phối hợp về việc điều chỉnh chỉ tiêu trong Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hệ thống cơ sở GDNN, ngành nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động, cơ sở giới thiệu việc làm và DN. Chủ động chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyển sinh, quảng bá hình ảnh nhà trường, cơ sở GDNN trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội…. để người dân và học sinh THCS, THPT biết, chủ động lựa chọn ngành nghề học tập sau THCS, THPT tăng khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập cao và ổn định.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc luôn chủ động đổi mới, đa dạng các chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, chỉ đạo cơ sở GDNN, DN trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong GDNN nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh, công tác quản lý dạy và học, số hóa các tài liệu, chương trình, giáo trình phục vụ nhu cầu học tập của HSSV và người lao động có nhu cầu tìm kiếm, khai thác thông tin.
Chỉ đạo hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, DN hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh hỗ trợ kịp thời, hiệu quả người lao động tìm kiếm việc làm, cung ứng kịp thời nguồn lao động chất lượng cho người sử dụng lao động trong tỉnh, xây dựng chương trình hợp tác, ký kết các hợp đồng cung ứng nhân lực cho các DN, tập trung cung ứng kịp thời đúng số lượng, chất lượng đối với các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Lưu Nhung