Sau 3 năm triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ và mục tiêu không đảm bảo tiến độ đề ra trong Đề án, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân.
Việc nạo vét, cải tạo thủy vực tiếp nhận nước thải sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư (Ảnh chụp tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương). Ảnh: Chu Kiều
Sau khi Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt vào cuối tháng 11/2021, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã tích cực, chủ động thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa quy định về quản lý rác thải, phân công, phân cấp trách nhiệm về quản lý rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành được các hướng dẫn về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung; hướng dẫn lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp rác thải...
Theo Đề án, đến năm 2025 toàn tỉnh hình thành 4 cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường và Yên Lạc với tổng công suất khoảng 1.390 tấn/ngày.
Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc với công suất 120 tấn/ngày đêm góp phần giảm tải áp lực xử lý rác tại địa bàn huyện Yên Lạc và vùng phụ cận.
Từ năm 2022, tỉnh đã điều chỉnh tăng định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho cấp huyện, cấp xã qua đó tăng cường kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải ở các địa phương.
Đồng thời đã điều chỉnh tăng mức thu giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phù hợp với tình hình phát triển KT - XH của tỉnh, góp phần cân đối nguồn chi phí hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ thu gom rác thải toàn tỉnh trung bình đạt 84,6%; trong đó, khu vực đô thị đạt tỷ lệ khoảng 96%, đạt 100% mục tiêu so với kế hoạch đề ra và khu vực nông thôn đạt khoảng 77%, đạt 93% mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Đề án còn nhiều hạn chế, bất cập, có nhiều nhiệm vụ và mục tiêu không đảm bảo tiến độ đã đề ra như tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm, mới xây dựng được 2 nhà máy với công suất 195 tấn/ngày (đạt 14% về công suất đề ra đến năm 2025).
Trong đó, nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) có công suất 75 tấn/ngày đang phải dừng tiếp nhận rác để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho việc xử lý, do đó, rất khó hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2025 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động 4 nhà máy xử lý rác.
Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2021 - 2023, hoàn thành cải tạo 140/232 bãi chôn lấp rác thải tại địa bàn các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo, Sông Lô và thành phố Vĩnh Yên. Nhưng đến nay, việc triển khai còn chậm, mới hoàn thành cải tạo được 15 bãi rác (đạt 11% so với mục tiêu đề ra đến năm 2023 và đạt 6,5% tổng số bãi rác phải cải tạo phục hồi môi trường).
Ngoài ra, một số nội dung theo Đề án chưa triển khai thực hiện như: Ban hành kế hoạch điều tiết thu gom, vận chuyển rác thải; giá dịch vụ chi cho hoạt động thu gom vận chuyển rác thải; cơ chế hỗ trợ sản xuất phân composte, sản phẩm tái chế... Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý rác thải, vận động sự ủng hộ của người dân đối với việc triển khai các nhà máy xử lý rác thải hiệu quả chưa cao...
Nguyên nhân do Đề án được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được ban hành, trong đó quy định về quản lý rác thải có nhiều sự thay đổi liên quan đến trách nhiệm của các ngành, các cấp. Tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải chưa đạt mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các nhiệm vụ khác liên quan trong Đề án.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra trong Đề án đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung các giải pháp thực hiện đúng tiến độ, chủ động đề xuất điều chỉnh Đề án phù hợp với thực tiễn của địa phương để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở các huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Sông Lô vào danh mục kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư công để triển khai xây dựng các điểm tập kết trung chuyển rác thải và cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp ở cấp huyện, cấp xã.
UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan cập nhật, bổ sung các địa điểm dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để triển khai trong thời gian tới; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức phân loại rác tại nguồn, ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương...
Lưu Nhung