Với sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã đạt được kết quả tích cực. Tại các xã, phường, thị trấn, CĐS không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) mà còn thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bộ phận "Một cửa" xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) tích cực ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả công việc, tạo thuận lợi cho người dân giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Chu Kiều
Năm 2023, Vĩnh Phúc dành hơn 134 tỷ đồng từ ngân sách thực hiện CĐS. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ CĐS; giao chỉ tiêu nhiệm vụ CĐS cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ CĐS để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối internet băng thông rộng cố định để phục vụ công tác chuyên môn.
Tại xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, 7/7 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn đã được thành lập, đào tạo về CĐS qua nền tảng OneTouch. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biển về Bộ chỉ số CĐS được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của xã, nhóm Zalo của các thôn.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN về CĐS.
Hiện, 100% công chức, viên chức của xã được gắn định danh số trong xử lý công việc (email công vụ, chữ ký số đối với cán bộ có thẩm quyền ký ban hành văn bản...) và sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản trên môi trường mạng; 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: CĐS đã đem lại nhiều tiện ích cho cả chính quyền, người dân và DN. Hiện, 100% văn bản, hồ sơ đi - đến của cơ quan được thực hiện xử lý trên phầm mềm Quản lý văn bản; 100% cơ quan, DN trên địa bàn xã có Internet băng rộng và thực hiện nộp thuế điện tử. Do đó, công việc có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, giảm thời gian cho người dân, DN phải chờ đợi, xếp hàng tại bộ phận một cửa.
Xác định CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất nhằm tạo ra các giá trị mới nhanh hơn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành, đồng thời trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.
Đến nay, 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được kết nối Internet băng rộng và được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định đạt 90%.
Tại bộ phận một cửa của xã Thiện Kế (Bình Xuyên), 100% bộ hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân được tiếp nhận, lưu trữ, giải quyết trong môi trường điện tử liên thông trên hệ thống phần mềm quản lý.
Qua đó, nhiều người dân đã thực hiện làm thủ tục hành chính trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng tại bộ phận một cửa.
Bên cạnh đó, địa phương đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Ông Đặng Duy Kính, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức, viên chức về CĐS có nhiều chuyển biến tích cực.
Giờ đây cụm từ “chuyển đổi số”, “thanh toán điện tử” không còn xa lạ với một số người dân trên địa bàn. Nhiều người dân nay đã cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống".
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện CĐS tại các địa phương còn không ít khó khăn, vướng mắc do nhận thức của một số cán bộ, công chức, người dân chưa đầy đủ về CĐS số và các nội dung liên quan đến CĐS; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, đặc biệt người cao tuổi còn hạn chế.
Để CĐS thành công, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân nắm được những kỹ năng số cơ bản, các kỹ năng về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng.
Khai thác hiệu quả các nền tảng số, sử dụng hiệu quả các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiện ích trong cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện CĐS, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, DN.
Hồng Tính