Những điểm mới tại Thông tư số 06/2023 (Thông tư 06) ngày 28/06/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng được đánh giá tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tiêu dùng. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai, số lượng khách hàng được vay vốn ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh rất khiêm tốn, mặc dù nhiều ngân hàng đã tham gia và công bố ưu đãi lãi suất cho vay rất hấp dẫn.
Với lãi suất ưu đãi, người dân, doanh nghiệp ưu tiên vay vốn tại Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc để giảm bớt khó khăn. Ảnh: Đức Chung
Điểm mới tại Thông tư 06 quy định rõ, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác với mục đích vay phục vụ đời sống. Quy định này tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tạo cơ hội lựa chọn dịch vụ, tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng.
Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động tín dụng, tiền tệ, ngân hàng.
Trong đó, các TCTD chủ động tiết giảm chi phí, áp dụng các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới với mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển SXKD.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức từ 4 - 4,5% đối với ngắn hạn; 7 - 8%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực SXKD thông thường từ 7 - 7,5%/năm đối với ngắn hạn; 9,5 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Thực tế, sau một thời gian Thông tư 06 có hiệu lực, các ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia chương trình và công bố mức lãi suất ưu đãi. Tại Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Vĩnh Phúc, khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng khác có nhu cầu sẽ được vay với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với ngắn hạn; đối với khoản vay trung, dài hạn, lãi suất vay 6,8%.
Vietcombank áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.
Techcombank áp dụng cho khách hàng chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng; số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ…
Cơ chế, chính sách giúp khách hàng vay của ngân hàng mới với lãi suất thấp để trả nợ ngân hàng cũ cùng với tài sản thế chấp ở đây với lãi suất cao hơn đã được quy định rõ. Tuy nhiên, việc khách hàng có vay được vốn hay không lại phụ thuộc vào thủ tục trong khâu tổ chức thực hiện của các ngân hàng thương mại, vì bản chất của vấn đề này là mua bán nợ.
Chính vì thế, các ngân hàng luôn phải xem xét, thẩm định các khoản vay của khách hàng để tránh rủi ro, nếu không sẽ phải đối mặt với nhiều khoản nợ xấu mà khách hàng đem lại.
Tại thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tìm kiếm khách hàng chất lượng, có khả năng trả nợ cao để cho vay của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Lường trước được độ rủi ro cao, một số ngân hàng trên địa bàn không mấy mặn mà trong việc cho vay đối với diện khách hàng này.
Vì vậy, việc các ngân hàng đồng loạt công bố mức lãi suất ưu đãi đối với khoản vay này gần như một dạng làm cho có theo chỉ đạo, còn doanh nghiệp, người dân có vay được hay không lại phụ thuộc vào các ngân hàng và chính bản thân người vay.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, phường Xuân Hòa (Phúc Yên) cho biết: Khi đến ngân hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn mới, đọc kỹ lại hợp đồng thì người vay sẽ phải chịu một số chi phí phát sinh đột xuất khác.
Cụ thể với khoản vay 1 tỷ đồng của gia đình tôi, tại thời điểm bắt đầu vay, lãi suất được tính trung bình hơn 12% trong 4 năm. Nếu trả nợ trước hạn, ngân hàng đang vay sẽ tính phí 2 năm đầu là 1,5%/năm/tổng dư nợ, các năm còn lại là 1% và một số chi phí phát sinh khác. Tính ra, số tiền tôi phải chịu phạt cho ngân hàng cũ là không nhỏ.
Trong khi đó, điều kiện bắt buộc là phải tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ rồi mới sang làm thủ tục vay mới. Để khách hàng lấy được xác nhận thông tin ở ngân hàng cũ theo yêu cầu của ngân hàng mới rất khó khăn, quy định bắt buộc phải có xác nhận thông tin thì mới cho vay vốn. Cùng với đó, việc định giá tài sản thế chấp của các ngân hàng có sự vênh nhau, hay quy định khách hàng phải có thêm tài sản thế chấp khác cũng làm khó cho người có nhu cầu vay vốn...
Nguyên nhân doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận gói vay này cũng đến từ chính phía khách hàng khi không phối hợp để hoàn thiện hồ sơ sau cho vay và hồ sơ tài sản đảm bảo. Bởi hồ sơ vay vốn vẫn phải thẩm định từ đầu về mục đích vay vốn, nguồn tiền trả nợ nên khách hàng cũng không dễ để được vay đảo nợ với lãi suất ưu đãi.
Cùng với đó, khách hàng phải thế chấp tài sản khác cho ngân hàng vay mới thì mới được cấp tiền để tất toán với ngân hàng cũ. Đây là điều kiện gây rất nhiều khó khăn cho khách hàng không còn tài sản thế chấp. Do đó mới có tình trạng nhiều người dân khó vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng.
Thành An