Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có chiều hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị liên quan thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động thực hiện phương án phòng chống dịch, nâng cao ý thức về an toàn dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Gia đình chị Phạm Thị Hằng, thôn Thượng, xã Duy Phiên (Tam Dương) sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 480 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), 22 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM), 19 ổ dịch cúm gia cầm (CGC); các tỉnh, thành phố có dịch đã buộc tiêu hủy hơn 18.100 con lợn các loại, 35.700 con gia cầm.
Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi của tỉnh, đến hết tháng 10/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã tiêm vắc xin cúm gia cầm cho hơn 7,1 triệu con gia cầm (đạt 98% kế hoạch); tiêm vắc xin LMLM cho 137.700 con trâu, bò, tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho 67.200 con trâu, bò (đạt 92% kế hoạch); tiêm vắc xin LMLM, tai xanh cho 98.200 con lợn, tiêm vắc xin DTLCP cho 54.200 con lợn (đạt 95% kế hoạch).
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức gần 80 buổi tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ GSGC cho 6.000 lượt người chăn nuôi; phối hợp với các đơn vị thông tin truyền thông thực hiện 22 lượt phóng sự, tin, bài; in ấn và phát hành 97.000 tờ rơi, hơn 540 băng rôn; thực hiện 2 đợt tuyên truyền kéo dài 9 ngày tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Mặc dù đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, song qua công tác kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng vận chuyển xác động vật chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ.
Từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra phát hiện, xử lý 5 trường hợp vận chuyển xác động vật chết, sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc trên đường đi tiêu thụ với số lượng lớn.
Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy 9 con lợn ốm, chết, tiêu hủy gần 2.250 kg sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính với số tiền 21 triệu đồng.
Hiện nay, hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh GSGC trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát; một số địa phương vẫn lơ là trong công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch bệnh; ý thức, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Cùng cán bộ thú y xã Duy Phiên (Tam Dương) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại gia đình chị Phạm Thị Hằng, thôn Thượng. Với quy mô nuôi 3.000 gà Ai Cập đẻ trứng, gia đình chị Hằng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, thông thoáng, đủ ánh sáng, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.
Chị Hằng cho biết: “Ngay từ khâu mua con giống, gia đình lựa chọn cơ sở uy tín, tin cậy, gà mới mua về đều được nuôi riêng từ 2 - 3 tuần mới cho vào khu chăn nuôi chính. 100% đàn gà của gia đình đều được tiêm vắc xin đầy đủ; trong quá trình nuôi, gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi tình hình sức khỏe của đàn gà, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh của trung ương và của tỉnh; tập trung xây dựng các chuỗi, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức rà soát, tổng hợp đàn vật nuôi, dự kiến số lượng động vật được hỗ trợ tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện sớm ổ dịch, hạn chế nguồn lây lan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y theo phân cấp; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thuốc, vắc xin thú y giả, kém chất lượng, chưa được phép lưu hành theo quy định.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn