Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn cả nước đang có chiều hướng gia tăng trong các tháng cuối năm 2023.Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 42 tỉnh, thành phố; 19 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 11 tỉnh; 22 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tại 11 tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, trong 10 tháng đầu năm không phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đang trong giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; bệnh DTLCP chưa được tiêm phòng và các hộ còn lơ là, chủ quan chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh trên địa bàn với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu giám sát phát hiện dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Qua việc giám sát của hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh vẫn có một số cơ sở, trang trại và người dân chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm việc khai báo, còn có hiện tượng giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh. Do đó nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là rất cao.
Để chủ động phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng,UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 9554 chỉ đạo triền khai và yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các biện pháp phòng, chống.
Đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra ngoài môi trường.
UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm khai báo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo thực hiện ký cam kết với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn, kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; phòng, chống đói rét và tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Mai Thơ