Với việc áp dụng mức phạt cao đối với vi phạm nồng độ cồn; có thể bị tước giấy phép lái xe (ít nhất là 10 tháng); khó sử dụng các mối quan hệ nhằm can thiệp khi vi phạm… là những nguyên nhân khiến nhiều chủ phương tiện nâng cao ý thức, nói không với rượu bia khi tham gia giao thông. Để đưa trật tự an toàn giao thông đi vào nền nếp, mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành văn bản chấn chỉnh cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm phát huy tính nêu gương.
Ngay sau khi Ban An toàn giao thông có văn bản chấn chỉnh cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), công tác tuyên truyền ở các cơ quan, đơn vị và địa phương đã được nâng cao hơn một bước. Theo đó, các cán bộ, đảng viên đã được quán triệt cụ thể các quy định chấp hành pháp luật về TTATGT.
Mỗi cán bộ, đảng viên cũng nêu cao trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú chấp hành nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Vĩnh Yên tăng cường kiểm tra các vi phạm về TTATGT.
Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Dương Đoàn Ngọc Chiến cho biết: “Việc thực hiện quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” đối với cán bộ, đảng viên ở cơ quan được Huyện ủy, UBND huyện Tam Dương quán triệt, chỉ đạo rất quyết liệt.
Trên cơ sở đó, nhận thức của mỗi cán bộ đã có sự chuyển biến đáng kể. Các cán bộ, đảng viên không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, kể cả những ngày đi cơ sở. Cán bộ, đảng viên nào để xảy ra vi phạm sẽ bị kiểm điểm, xử lý nghiêm theo đúng quy định".
Bên cạnh đó, tình trạng lãnh đạo các xã, thị trấn sử dụng bia rượu tiếp cơm trưa khi có các đoàn công tác về làm việc không thường xuyên xảy ra như trước. Các trường hợp vi phạm quy định về TTATGT sau khi có thông báo về cơ quan đều bị xử lý nghiêm. Việc làm này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” nói riêng, TTATGT nói chung trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Phúc Yên Đỗ Đăng Cơ cho biết: “Hiện nay, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn tương đối cao, thậm chí còn bị tước giấy phép lái xe nên chế tài này đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra khiến việc chấp hành quy định về TTATGT ngày càng đi vào nền nếp.
Nếu như trước đây, còn tình trạng lái xe biển xanh (xe cơ quan nhà nước) uống bia rượu vào buổi trưa thì nay tuyệt đối không dám sử dụng. Các cán bộ, đảng viên ăn cơm trưa tại cơ quan cũng không uống bia rượu cho thấy những chuyển biến tích cực trong thực hiện quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương chấp hành pháp luật về TTATGT để quần chúng, nhân dân học tập và làm theo. Việc để xảy ra vi phạm không chỉ bản thân bị xử lý mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh cơ quan, đơn vị.
Thực tế, đã có không ít vụ việc, bài học đáng tiếc liên quan đến vi phạm nồng độ cồn mà chủ phương tiện là cán bộ, đảng viên gây ra. Tuỳ từng mức độ, nhẹ thì bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, tước bằng lái xe. Nặng thì khởi tố hình sự do vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ nay đến cuối năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các địa phương.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 8.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, phát hiện, gửi thông báo vi phạm đối với 50 trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Để kịp thời chấn chỉnh sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên… và phát huy vai trò nêu gương trong chấp hành pháp luật về TTATGT nói chung, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt trong từng cơ quan, đơn vị về việc chấp hành pháp luật TTATGT.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế, kéo giảm bền vững tai nạn giao thông.
Phát động phong trào quần chúng nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia tố giác, cung cấp hình ảnh vi phạm về TTATGT nói chung và vi phạm quy định về nồng độ cồn của cán bộ, đảng viên đến cơ quan chức năng để xác minh, xử lý theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (TNGT).
Trong quá trình xử lý vi phạm phải thượng tôn pháp luật, không chịu sự can thiệp của bất kỳ ai và xử lý theo phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ” đối với các vi phạm. Kịp thời gửi thông báo vi phạm TTATGT của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ… đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, chính quyền, tổ chức.
Cơ quan điều tra phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm theo đúng định pháp luật; lựa chọn một số vụ án điểm để đưa ra xét xử công khai phục vụ răn đe, phòng ngừa chung.
Văn phòng Ban An toàn giao thông theo dõi, tổng hợp vi phạm và phối hợp với Công an tỉnh đề xuất biện pháp xử lý, chấn chỉnh, kiểm điểm hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người đứng đầu trên địa bàn tỉnh... để đưa TTATGT đi vào nền nếp và xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Hà Trần