Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, những năm qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, việc triển khai cơ chế chính sách cho các cơ sở sản xuất CNNT như hỗ trợ về vốn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu… đã góp phần tích cực tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tạo động lực cho các đơn vị mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD).
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Long Thanh, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) chuyên sản xuất ống gió, phụ kiện ống gió, van gió... được hỗ trợ từ quỹ khuyến công Quốc gia đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ảnh: Thế Hùng
Vĩnh Phúc hiện có trên 20.000 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp (CN) và tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tại khu vực nông thôn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao và đặc biệt là xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNTN, tỉnh đã có nhiều hoạt động, cũng như ban hành nhiều cơ chế tạo đòn bẩy thúc đẩy CNNT phát triển.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh hỗ trợ 143 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, mộc… xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.
Trung tâm khuyến công tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về khởi sự DN, lập kế hoạch SXKD, kỹ năng quản lý DN và tổ chức hội thảo chuyên đề về sản xuất sạch hơn cho cán bộ quản lý, lao động tại các DN, cơ sở sản xuất CNNT.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cho gần 30 đơn vị xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; triển khai 2 cuộc bình chọn cho 14 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và hỗ trợ 2 cơ sở đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại đơn vị. Cùng đó, tư vấn lập dự án đầu tư, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói... cho 20 cơ sở với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng.
Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các DN, cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn, thông qua chương trình khuyến công, tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ CNNT phát triển như hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ máy móc phục vụ sản xuất; nắm bắt thông tin, cập nhật công nghệ thiết bị mới để tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương; tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm sản xuất để đổi mới ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu..., góp phần khuyến khích các DN tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có thể kể đến hiệu quả rõ rệt từ chương trình khuyến công tại Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Tân Việt, xã Định Trung (Vĩnh Yên).
Với việc đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu đồng hỗ trợ từ Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh, Công ty đã mua sắm máy móc hiện đại, đảm bảo yêu cầu kỹ, mỹ thuật trong từng sản phẩm. Dự án đầu tư đã giúp công ty thay đổi năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hướng tới xuất khẩu.
Việc triển khai hiệu quả đề án từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công cũng giúp công ty tiến gần hơn với quá trình chuyển đổi số trong từng khâu của hoạt động, có cơ hội tiếp cận và áp dụng mô hình quản lý hiện đại, hoàn thiện phương thức quản lý SXKD.
Hay như việc tiếp cận các hình thức sản xuất mới hiện đại của Công ty TNHH bao bì Atlantic, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên).
Nhờ sự trợ giúp nguồn vốn khuyến công của Trung tâm Phát triển Công thương, Công ty đã đầu tư 2 máy thổi màng trị giá hơn 1 tỷ đồng, giúp giải phóng sức lao động, giảm tiêu hao điện năng khoảng 20% so với máy cũ, năng suất cao hơn 30%; đồng thời, nâng cao tính thẩm mỹ cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong lĩnh vực màng nilon công nghiệp, tăng sự cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2022, công ty đạt doanh thu gần 65 tỷ đồng, phát triển được hơn 100 khách hàng ở trong và ngoài tỉnh với sản lượng tiêu thụ 130 - 150 tấn sản phẩm/tháng.
Để hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, giai đoạn 2020 - 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất.
Trong đó, ưu tiên những đề án đổi mới có tính công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng… trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở CNNT đăng ký các đề án kế hoạch khuyến công quốc gia.
Mới đây, tại Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác của Sở Công thương Vĩnh Phúc đã đến tham khảo các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thương mại của các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ đó triển khai các hình thức giao thương mới, đảm bảo tính liên tục của hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh nhà.
Từ đó, góp phần hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa sản phẩm, thúc đẩy hoạt động SXKD cho các cơ sở CNNT.
Thời gian tới, cùng với tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất CNNT mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động, tỉnh yêu cầu các địa huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển CNNT, tạo sự bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời duy trì và khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua các làng nghề truyền thống, góp phần xây dựng NTM, NTM nâng cao, LVHKM, tiếp sức hiệu quả cho CNNT phát triển.
Anh Tú