Với quan điểm thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là động lực để xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đề ra.
Cơ sở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh (cũ), phường Khai Quang (Vĩnh Yên) thuộc diện nhà đất dôi dư mới được Sở Y tế tận dụng làm phòng khám của Bệnh viện Sản - Nhi.
Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đề ra mục tiêu chính: Năng suất lao động xã hội tăng hơn 11%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm tăng từ 8,5 - 9%/năm; phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 130 - 135 triệu đồng.
Các giải pháp chủ yếu đề ra là quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên trừ lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định...
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát tổng thể các chế độ, chính sách, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các chính sách chưa thực sự cấp thiết.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, kiểm soát chặt chẽ vốn vay; chọn lọc các dự án thực sự cần thiết và cân đối được nguồn trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ của chính quyền địa phương.
Chống lãng phí trong mua sắm tài sản công, đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động. Chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường…
Với chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện việc hoạch định, quản lý nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm, Sở Tài chính đã lập kế hoạch dự toán trên cơ sở căn cứ các quy định về chế độ, định mức; chủ động trong cân đối và điều hành về thu - chi ngân sách.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trao đổi phân bổ nguồn tài chính cho đầu tư phát triển đúng chế độ, ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành tổ chức quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là Quyết định số 215/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 337/2024 của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, quyết liệt khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính đối với các đơn vị được thụ hưởng ngân sách trong thực hiện các chế độ, chính sách về tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Việc xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch thu - chi ngân sách đảm bảo đúng quy trình, quy định; bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung; ưu tiên phân bổ cho các dự án đã hoàn thành quyết toán, dự án hoàn thành chưa quyết toán, dự án chuyển tiếp và dự án mới, phục vụ nhiệm vụ chính trị cần thiết đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công được thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Thực hiện nghiêm việc không cấp bổ sung kinh phí ngoài dự toán đã giao đầu năm...
Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh tiết kiệm trong thẩm định, phê duyệt dự toán, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước hơn 4.177 tỷ đồng, trong đó năm 2024, ước toàn tỉnh tiết kiệm được hơn 1.213 tỷ đồng, tăng 141 tỷ đồng so với năm 2023, tăng hơn 301 tỷ đồng so với năm 2021.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 vừa qua đề cập đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Giao các sở, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện cơ chế quản quản lý, hệ thống văn bản quy định của tỉnh về tổ chức, biên chế; quản lý, sử dụng ngân sách, vốn đầu tư công, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quỹ tài chính ngoài ngân sách...
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01 của Chính phủ ngày 5/1/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Bài, ảnh: Xuân Hùng