Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy những lợi thế sẵn có, chủ động đầu tư, đổi mới dây chuyền và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Công ty cổ phần Tự động hóa DT Vina (Yên Lạc) đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm cơ khí chính xác, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tác trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Lượng
Là địa phương có nhiều dư địa phát triển các ngành, nghề TTCN, Vĩnh Phúc nức danh trên cả nước với những sản phẩm làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời như rèn Lý Nhân; rắn Vĩnh Sơn; chế tác đá mỹ nghệ Hải Lựu; mộc Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; mây tre đan Cao Phong, Triệu Đề...
Hiện, toàn tỉnh có 29 làng nghề, trong đó có 9 làng nghề truyền thống với gần 8.300 cơ sở sản xuất (47 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 8.250 hộ gia đình), thu hút hơn 16.100 lao động với thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, hầu hết các cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, dây chuyền công nghệ sản xuất hạn chế, chưa chủ động xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu, thiếu mặt bằng sản xuất nên phần lớn nằm xen lẫn trong khu dân cư và phát triển chủ yếu theo hướng tự phát, khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm...
Những khó khăn này là rào cản khiến các cơ sở sản xuất TTCN chưa mạnh dạn đầu tư theo chiều sâu, đổi mới mô hình sản xuất; sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh và khó tìm được chỗ đứng trước những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thị trường.
Phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các cơ sở sản xuất TTCN với tiến bộ khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, Trung tâm Phát triển công thương Vĩnh Phúc đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ triển khai các đề án khuyến công phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, cơ sở, trọng tâm là xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại bằng nguồn vốn thuộc chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.
Đây là nguồn vốn hỗ trợ kịp thời và quý giá, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, từng bước thay thế các máy móc, thiết bị sản xuất lạc hậu, năng suất hạn chế bằng các dây chuyền, công nghệ hiện đại, mang lại những bước đột phá trong sản xuất; cải thiện chất lượng, mẫu mã và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Đồng thời là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từng bước tiếp cận những thị trường “khó tính”, hướng đến xuất khẩu các mặt hàng TTCN, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều lao động; đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, thực hiện hiệu quả chương trình hội nhập.
Bên cạnh đó, phải kể đến các hoạt động hỗ trợ tư vấn lập dự án đầu tư, marketing; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm; thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước...
Công ty TNHH thương mại và cơ khí Tân Việt (Vĩnh Yên) đổi mới máy móc, trang thiết bị nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tổ chức bình chọn và trao chứng nhận cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh định kỳ 2 năm/lần, làm cơ sở để bình chọn các sản phẩm tham gia bình chọn cấp khu vực và quốc gia.
Qua đó phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn chất lượng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; góp phần khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kết nối mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng, mở ra nhiều cơ hội hướng đến các thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển công thương Vĩnh Phúc đã hỗ trợ tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng cho 25 cơ sở sản xuất TTCN triển khai các đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thuộc chương trình khuyến công địa phương.
Tổ chức hội thảo về sản xuất sạch hơn cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đoàn khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau.
Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại, Chương trình du lịch lễ hội Tây Thiên - Tam Đảo. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Sông Lô và Lập Thạch; tổ chức 1 hội chợ kích cầu tiêu dùng tại huyện Yên Lạc...
Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN nói riêng phải thay đổi tư duy quản lý, mô hình sản xuất và tích cực khai thác những thành tựu mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại.
Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận những cơ hội mới, tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng, nâng cao vị thế trên thị trường. Bên cạnh đó, rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực và những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành chức năng, địa phương nhằm thúc đẩy phát triển TTCN theo hướng bền vững.
Việt Sơn