Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “trách nhiệm” là danh từ có nghĩa là: “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Nhưng “Sợ trách nhiệm” là sự né tránh công việc mà lẽ ra mình phải làm, phải gánh vác. Còn “bệnh sợ trách nhiệm” lại là một căn bệnh xã hội phát sinh trong hoạt động của người cán bộ, đảng viên.
Những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, trên các diễn đàn hội nghị hay những bài viết trên báo chí xuất hiện cụm từ “Sợ trách nhiệm” hoặc có lúc là “bệnh sợ trách nhiệm”. Như thế sợ trách nhiệm đã trở nên phổ biến, mà là bệnh thì mức độ nguy hiểm đã trầm trọng và lan rộng. Tuy nhiên, chưa có bài viết nào giải thích rõ ngọn nguồn về trách nhiệm và sợ trách nhiệm và nhất là về căn bệnh sợ trách nhiệm nguy hiểm này.
May thay, trong tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm”. Đó là một bài báo ngắn gọn đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11/1973 với bút danh Người Xây Dựng.
Vào thời điểm năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta chưa kết thúc và tác giả mới 29 tuổi đời đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tác giả Nguyễn Phú Trọng với tư duy sắc sảo, nhạy bén về chính trị đã sớm phát hiện ra căn bệnh “Sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên trong cơ quan đảng, nhà nước. Có lẽ đó là một hiện tượng “hiếm hoi” xuất hiện rất sớm, nêu lên một quan niệm độc đáo, mổ xẻ, lý giải về căn nguyên của căn bệnh, các biểu hiện của căn bệnh, tác hại của nó và phương pháp chữa căn bệnh này.
Tác giả viết: “Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân, bo bo bảo vệ lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó, ngại phiền…” và “Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng. Tinh thần trách nhiệm chính là một yêu cầu thuộc về tiêu chuẩn của người cán bộ… Sợ trách nhiệm, lẩn tránh trước khó khăn, làm việc cầm chừng, bàng quan trước mọi việc đúng sai, đó chính là kiểu làm việc của người “Công chức cũ”, chứ không phải là tác phong của người cách mạng”. Còn những biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, tác giả nêu 4 nội dung cơ bản: 1, Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì chỉ lo sợ phải chịu trách nhiệm, nên không dám cải tiến, đổi mới phong cách làm việc, nên kém hiệu quả. 2, Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, hay do dự trong giải quyết công việc; không có chính kiến rõ ràng, không quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. 3, Người sợ trách nhiệm thường vin vào lý do “làm việc tập thể” để dựa dẫm vào tập thể, không thể hiện bản lĩnh cá nhân, mặc dù có những việc hoàn toàn thuộc chức trách mình được giao. 4, Người sợ trách nhiệm thường ngại “va chạm” với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới, vin vào cớ phải bảo đảm “đoàn kết”, “dân chủ”, “thận trọng”…
Từ 4 biểu hiện cơ bản ấy, tác giả cho rằng "Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, làm cho năng lực, trình độ công tác của cán bộ chậm được nâng cao...". Đó là hệ lụy từ căn bệnh sợ trách nhiệm. Đã là bệnh thì phải chữa, theo tác giả bài báo, nguồn gốc sâu xa của căn bệnh này là do chủ nghĩa cá nhân, đã ăn sâu, bám rễ vào các cá nhân cán bộ, đảng viên và nó là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Và như vậy, "khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng". Bệnh sợ trách nhiệm có nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, đó cũng là căn bệnh hết sức nguy hiểm mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo. Ngày 3/2/1969, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang diễn ra hết sức quyết liệt và thời gian này Bác đang lâm bệnh, nhưng Người vẫn viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" để làm tài liệu giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ nghĩa cá nhân có tác hại khôn lường, tựa như kẻ thù vậy. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm phải "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, phải giáo dục tư tưởng, chính trị, xây dựng con người cán bộ, đảng viên thật sự "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng...".
Với tư duy của một nghiên cứu sinh khoa học của Trường Đảng cao cấp, tác giả Nguyễn Phú Trọng có cách nhìn toàn diện, thấu đáo, bản chất, từ đó, đưa ra những nhận định khách quan, thẳng thắn, không né tránh, dám chịu trách nhiệm khi tác giả cho rằng: "Bệnh sợ trách nhiệm có những điều kiện khách quan để tồn tại và phát triển. Trong một số trường hợp, chính những khuyết điểm của tập thể hoặc của cấp trên trong tổ chức chỉ đạo và lề lối làm việc là chỗ dựa của bệnh sợ trách nhiệm". Tác giả mạnh dạn cho rằng: "Hiện nay, còn có những cơ quan, đơn vị vì phân công không rõ ràng, quy định không rành mạch về trách nhiệm và quyền hạn của từng người cho nên không thể đánh giá đúng ai làm tốt, ai làm không tốt, khi xảy ra việc làm sai gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước thì chỉ có thể kiểm điểm tập thể chung chung, không biết quy trách nhiệm cụ thể về ai...".
Từ những nhận định như vậy, tác giả bài báo nêu quan điểm: "Nhanh chóng khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc của cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo quản lý là một việc có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động của các ngành, các cấp..." và "trước hết đòi hỏi sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng đòi hỏi các tổ chức Đảng và Nhà nước cải tiến công tác, phân rõ chức trách, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, làm tốt việc tổng kết công tác, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ cụ thể giao cho từng người mà biểu dương người làm tốt, phê phán người làm không tốt, có quan niệm đúng, thái độ đúng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ”.
50 năm (1973-2023) - Nửa thế kỷ trôi qua kể từ thời điểm bài báo “Bệnh sợ trách nhiệm” được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản, người viết bài ấy là một học viên nghiên cứu sinh của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Sợ trách nhiệm là một dạng tiêu cực có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân, bởi vậy, chống tiêu cực và chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đỗ Việt Trì