Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, rà soát, hỗ trợ và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số kê khai và nộp thuế. Từ đó vừa đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường, vừa chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã và đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến và được áp dụng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề. Sự tăng trưởng, bứt phá của hoạt động TMĐT dần khẳng định vai trò trụ cột, quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Theo số liệu của cơ quan thuế, trong 3 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trong cả nước tăng mạnh qua các năm, trong đó: Năm 2022 đạt 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 đạt 97 nghìn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế với số tiền hơn 15,6 nghìn tỷ đồng.
Tại Vĩnh Phúc, thời gian qua, kinh doanh trên nền tảng số phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tiêu thụ sản phẩm.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh kết nối và tư vấn, hướng dẫn cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển TMĐT và tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMÐT như triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử; ban hành Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hỗ trợ xây dựng website TMĐT cho doanh nghiệp, hợp tác xã… thị trường TMĐT trong tỉnh ngày càng được mở rộng với sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ thanh toán số trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng như hệ sinh thái mobile banking; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh EMS, phát hàng thu tiền COD, logistics… mang lại trải nghiệm và lợi tích thiết thực cho khách hàng. Nhờ đó, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước từ năm 2021 đến nay.
Nói về hoạt động kinh doanh sản phẩm trên các sàn TMĐT và nền tảng số, anh Nguyễn Kao Toản, Giám đốc Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt tại thị trấn Kim Long (Tam Dương) cho biết: Chuyển sang hình thức kinh doanh online, các dòng sản phẩm của công ty gồm trà gạo lứt, ngũ cốc ăn dặm, tinh bột nghệ… được đông đảo khách hàng chọn mua hằng ngày trên các sàn TMĐT, mạng xã hội như Shopee, Tiktok Shop, Facebook, Zalo… Vì thế, công ty chủ động hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết để tới cơ quan thuế trình báo, làm các thủ tục kê khai, nộp thuế đầy đủ.
Thời gian qua, ngành Thuế tích cực gửi thông báo tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT; rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT; đẩy mạnh kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh TMĐT theo phương pháp quản lý rủi ro…
Đồng thời xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, các doanh nghiệp thu hộ tiền bán hàng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 700 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số với tổng doanh thu từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.000 tỷ đồng; tổng số thuế thu từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt gần 8 tỷ đồng.
Việc kinh doanh, bán hàng online hoa, cây cảnh của gia đình anh Lê Khắc Hanh, thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác (Sông Lô) phát triển tốt, góp phần mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trong xã. Ảnh: Nguyễn Lượng
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, các cấp ủy chính quyền và địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hiệu quả bằng nhiều hình thức, góp phần lan tỏa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển TMĐT lành mạnh.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tập huấn, nâng cao nhận thức về TMĐT cho doanh nghiệp; phối hợp xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số như công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường mạng.
Cục Thuế tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng như đối tượng, thông tin giao dịch, thông tin thanh toán, thông tin vận chuyển… để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của trung ương.
Ngọc Lan