Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thu gom ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Trong đó có nhiều mô hình đã khẳng định thương hiệu, là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, trường học, chuỗi siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm rau ăn lá, rau gia vị của Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP nói không với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Tiêu biểu là nông trại rau organic OFP của Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP, xã Liên Châu (Yên Lạc). Ngoài liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Thực phẩm Ngôi Sao Xanh, Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Phong, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông sản, Thực phẩm Việt Nam (VAF), cung cấp cho hệ thống siêu thị AEON Mall, Co.opMart, MM Mega Market (Metro), công ty còn cung ứng các loại rau, củ, quả cho các trường học, cửa hàng rau sạch, hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau gần 10 năm trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nhận thấy sản xuất rau hữu cơ là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tháng 5/2023, Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP bắt đầu thực hiện biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Cùng với hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, công ty không sử dụng các hóa chất tổng hợp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản hóa học...
Nhờ đó, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện các xét nghiệm về đất, nước, sản phẩm, tháng 6/2024, các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị như su su, cải cúc, cải bó xôi, xà lách, rau lang, kinh giới, rau mùi, tía tô, húng quế... của công ty đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Phạm Đăng Cương, Giám đốc công ty cho biết: Chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ khẳng định chất lượng các sản phẩm organic OFP và niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp bởi nông sản an toàn, quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, đất đai và không khí.
Hiện nay, mỗi ngày công ty cung ứng ra thị trường trên 1 tấn rau, củ, quả an toàn, đạt thu nhập gần 140 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động.
Các sản phẩm rau, củ, quả organic OFP được sơ chế, đóng gói, đảm bảo đúng quy định về bảo quản, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2573 phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh đã hỗ trợ hơn 3.000 ha rau ăn lá theo hướng hữu cơ. Thông qua chương trình, các hộ nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng.
Nhờ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, dần thay đổi tư duy của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển, năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1930 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ ở các xã Vân Trục, Xuân Hòa (Lập Thạch), Hồng Châu (Yên Lạc), Cao Đại (Vĩnh Tường), Đôn Nhân (Sông Lô), Bồ Lý (Tam Đảo); 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ ở xã Tam Quan (Tam Đảo), Thái Hòa, Bắc Bình (Lập Thạch).
Đồng thời hỗ trợ 200 ha sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ; hỗ trợ 400ha sản xuất rau, quả ăn lá theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng 10 - 20% so với sản xuất thông thường.
Với mục tiêu, trồng rau hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt vào năm 2025 và 2% vào năm 2030, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy trình kỹ thuật sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tập trung nguồn lực hỗ trợ công tác khuyến nông thực hiện mô hình, quy trình sản xuất hữu cơ.
Đồng thời phát triển hình thức liên kết công - tư, khuyến khích xã hội hóa tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho phát triển sản phẩm hữu cơ...
Bài, ảnh: Hồng Tính