Ngày 18/7, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa dông và cục bộ có nơi rất to sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới tại nhiều khu vực.
Sạt lở tại km 319+710 Quốc lộ 4H, đoạn qua địa bàn xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu gây ách tắc giao thông. Ảnh: TTXVN
Để tiếp tục ứng phó với thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 4972 ngày 12/7/2024; trong đó tập trung vào việc tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp, trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh. Đồng thời, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống
Các tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng thông tin từ các phóng viên TTXVN tại địa phương, mưa lớn kèm dông, lốc, sét từ ngày 14/7 đến nay đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tại tỉnh Hòa Bình, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lớn kèm lũ quét, sạt lở đất những ngày qua, đã có 1 người chết (xóm Nhót, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) do bị sét đánh, 1 người ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi (xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Tại tỉnh Lâm Đồng, sạt lở đất cũng khiến 1 người thiệt mạng tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông.
Đối với thiệt hại về người, mưa lớn đã làm 6 hộ dân bị sạt lở đất vào nhà tại các huyện Kim Bôi, Mai Châu và Lạc Sơn; trên 100 ha lúa, hoa màu bị ngập úng ở huyện Tân Lạc; ngập úng 1 ha lúa và hoa màu, 12 ha lúa mới cấy và 5 ha cây hoa màu trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Nhiều ngầm tràn thuộc các huyện Kim Bôi, Tân Lạc bị ngập sâu khiến giao thông ách tắc. Tình trạng sạt lở đất, đá từ taluy dương đã xảy ra tại một số tuyến đường thuộc huyện Lạc Sơn, Mai Châu. Hiện nay, mặc dù người và phương tiện lưu thông được nhưng các điểm này vẫn đang tiếp tục có hiện tượng sạt trượt, nguy cơ mất an toàn và gây ách tắc giao thông.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại tỉnh Lai Châu làm sạt lở ta luy dương tại km 319+710, đoạn qua địa bàn xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn với khối lượng đất đá sạt lở ước trên 5.000 m3, gây ách tắc giao thông cục bộ; sạt lở gần 100 vị trí, ngập úng một số địa điểm và sụt lún hang caster, sụt lún mặt đường gây nguy cơ mất đường... trên các tuyến Quốc lộ 279, 279D, 4D và 4H. Tổng thiệt hại ước tính hơn 6,3 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người tử vong, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trực tiếp xuống hiện trường giúp đỡ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cuộc sống.
(Theo TTXVN)