Thực trạng dạy và học môn Lịch sử là, nỗi lo âu, không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục nữa. Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số của các bài thi môn sử ở các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học mà còn phản ánh ở các cuộc điều tra xã hội hay các sân chơi giải trí. Em Nguyễn Thị Ngân, học sinh lớp 7A trường THCS Lý Tự Trọng khi được hỏi về môn học mà em yêu thích, Thảo đáp, đó là môn Tiếng Anh. Môn học này theo Thảo thì không phải viết nhiều, học thuộc cũng không phức tạp… Khi hỏi về môn sử thì Thảo cười, em không thích môn học này. Em đã đưa ra nhiều lí do nhưng chủ yếu là do môn này dài, lại lắm sự kiện nên khó nhớ. Em Lưu Tuấn Anh, học trường THPT Yên Lạc cho biết: Em theo học khối A và cũng không thích những môn học thuộc lòng. Nên kì thi lên cấp 3 vừa rồi, em rất lo lắng thi môn sử. Cô giáo Trần Thị Luân, là giáo viên đạt nhiều thành tích trong dạy môn sử ở trường THCS Tân Phong (Bình Xuyên) tâm sự: một tiết học có 45 phút thôi mà nội dung môn Lịch sử trong SGK lại là một chuỗi dài những con số niên đại, ngày tháng, năm, những sự kiện. Vì vậy thầy trò không thể thảo luận, phân tích, đánh giá vì nếu đi vào sâu thì không đủ thời gian.Còn học sinh thì phải học quá nhiều môn nên cũng có quá ít thời gian để nghiên cứu, tìm tài liệu, sưu tầm tranh ảnh lịch sử… Còn cô Nguyễn Thi Thanh Huyền, giáo viên trường THCS Thanh Lãng (Bình Xuyên) cho biết: Phần lớn các em học sinh không coi trọng môn học này. Nhiều khi, trong giờ học môn Sử thì các em học môn khác. Nhiều bậc phụ huynh cũng coi đây là môn học phụ nên chỉ quan tâm và đầu tư thời gian cho con học các môn mà họ cho là môn học chính mà thôi. Có một điều mà chúng ta nên quan tâm, ngay trong ngành giáo dục hiện nay cũng chưa coi trọng môn học này. Nhiều trường, giáo viên dạy Văn, dạy Thể dục cũng sang dạy Sử. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận phần lớn phương pháp dạy môn lịch sử ở trong các trường vẫn là phương pháp truyền thống đọc và chép. Vì thế khi kiểm tra, đánh giá, giáo viên chủ yếu đưa ra các câu hỏi như yêu cầu nêu, trình bày, giới thiệu…Đại đa số các câu hỏi không có nội dung liên hệ thực tế, chưa gần gũi với cuộc sống đời thường. Việc dạy và kiểm tra theo phương pháp truyền thống không hoàn toàn tiêu cực nhưng nó đã tạo một ý niệm khó xóa bỏ rằng đây là môn học lý thuyết, chỉ cần học thuộc nhớ nhiều là được. Vì thế học sinh học xong chỉ trong thời gian ngắn là quên, mà có nhớ thì sự kiện này lại ghép với sự kiện khác. Vậy để việc dạy và học Lịch sử trong các trường có hiệu quả, để học sinh hứng thú với môn học này, chúng ta cần phải đổi mới từ đâu? Đổi mới như thế nào cho phù hợp? Công việc này không thể ngày một ngày hai hay là của riêng ai mà nó cần sự chung tay của toàn xã hội. Muốn đổi mới, trước hết chúng ta cần phải có quan niệm đúng về vị trí của môn Lịch sử trong các trường cũng như trong việc giáo dục nhân cách, tri thức cho học sinh. Đồng thời, cần phải đổi mới nội dung trong sách giáo khoa để phù hợp với từng cấp học. Một trong những biện pháp cốt lõi là đổi mới phương pháp dạy học, đưa công nghệ thông tin vào trong các giờ học Lịch sử để các em cảm nhận một cách cụ thể hơn, tạo nên sự sinh động và hấp dẫn cho học sinh. Mặt khác, người giáo viên chính là sợi dây quan trọng trong việc truyền thụ tri thức và lòng đam mê môn học. Giáo viên luôn luôn phải cập nhập thông tin, tri thức mới và đổi mới phương pháp dạy học. Quan trọng hơn, là sự quan tâm của các nhà quản lí giáo dục cũng như của Đảng, Nhà nước tới việc đổi mới việc day và học Lịch sử hiện nay. Học Lịch sử ngoài trang bị kiến thức còn giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống dân tộc. Vậy tại sao chúng ta lại không coi trọng môn Lịch sử?. Thu Liên |