Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), lao động trong nông nghiệp là một trong số những đối tượng có nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.
Theo số liệu của chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm ngành nông nghiệp tỉnh sử dụng 70 - 80 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Việc tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật trong khi không có bảo hộ lao động gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe như mắc các bệnh ngoài da, ung thư, thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm độc nặng. Tuy vậy, khảo sát tại một số khu vực đồng ruộng trên địa bàn tỉnh, có thể thấy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diễn ra khá tùy tiện. Một số trường hợp thay vì sử dụng dao, kéo người nông dân dùng tay xé hoặc các vật sắc nhọn sẵn có tại ruộng để cắt bao bì thuốc dẫn tới thuốc bắn vào mắt, da. Bên cạnh đó, hầu hết người lao động không có kiến thức đầy đủ về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trang phục bảo hộ khi phun thuốc cũng khá sơ sài. Chị Bùi Thị Lý (Bình Dương) cho biết: “Muốn biết thuốc nào trị sâu nào thì hỏi người bán thuốc, liều lượng thì theo như bao bì. Phun thuốc chỉ cần đứng xuôi chiều gió, tránh để thuốc tạt vào người là được, nếu cẩn thận thì mặc quần áo dài tay là đủ”.
Không chỉ là nguy hại từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong những năm gần đây, người nông dân ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với tai nạn lao động do sử dụng máy móc, điện. Nguyên nhân là do phần lớn người lao động trong nông nghiệp không được qua các lớp đào tạo nghề, chưa nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc mà chủ yếu tự tìm hiểu, tự làm hoặc là kinh nghiệm do những người đi trước chỉ dạy. Anh Phan Văn Định (Chấn Hưng) chủ một máy tuốt lúa công nghiệp chia sẻ: “Lúc mới mua máy có quyển sách hướng dẫn sử dụng, tôi đọc rồi làm theo, cũng chạy máy được 3 năm nay rồi”.
Có thể thấy, phần lớn người nông dân còn khá chủ quan trong vấn đề an toàn vệ sinh lao động, làm việc theo những kinh nghiệm đơn giản, thiếu khoa học. Theo đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khi sử dụng những máy móc công nghiệp hiện đại.
Tại hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 8/12/2012, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết: “Cứ khoảng 100.000 lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc và 1.700 người bị ảnh hưởng sức khoẻ do thuốc bảo vệ thực vật. Rõ ràng, tình hình mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp đã ở mức báo động”.
Chiếm lực lượng lao động lớn nhưng đến nay, vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp vẫn bị bỏ ngỏ. Trong nhiều trường hợp, người lao động không may bị tai nạn mất đi khả năng lao động, gia đình sẽ gặp không ít khó khăn về kinh tế. Bởi vậy, vấn đề an toàn lao động trong nông nghiệp cần được quan tâm đúng mức. Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc, giúp người nông dân tự ý thức và có trách nhiệm với an toàn của chính bản thân mình. Mặt khác, cần khuyến khích người nông tham gia mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vì lợi ích lâu dài.