Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có hiểu được nội dung và những chủ trương, giải pháp trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng thì mới đồng thuận và đi đến thực hiện tốt được. Tuy nhiên, đã từ lâu, việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết của Đảng với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện Yên Lạc, đặc biệt là ở tại cơ sở vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là nặng về lý luận, thiếu sự hấp dẫn sinh động để lôi cuốn, tập trung sự chú ý của người nghe; báo cáo viên yếu về kỹ năng, hạn chế về trình độ, thiếu thực tiễn; thông tin tại hội nghị diễn ra chậm so với thực tế nên mất tính thời sự,…. Do vậy, vấn đề đổi mới việc học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng thời gian gần đây được Huyện ủy Yên Lạc đặc biệt quan tâm. Các cấp ủy Đảng trên địa bàn đều nhận thấy sự cần thiết của việc tìm tòi, sáng tạo, thay đổi phương pháp, hình thức nghiên cứu, học tập Nghị quyết của Đảng đối với cả cơ quan tổ chức lớp học, báo cáo viên và của chính người học. Ông Lê Văn Doanh, Trưởng Ban Tuyên giáo (BTG) Huyện ủy Yên Lạc cho biết: Trước mỗi đợt quán triệt Nghị quyết, căn cứ vào tình hình của địa phương, BTG Huyện uỷ soạn thảo đề cương tuyên truyền Nghị quyết theo nguyên tắc bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh, đồng thời vận dụng để xây dựng những mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, chỉ rõ những việc cấp uỷ các cấp cần phải làm để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đặc biệt, Bí thư cấp ủy sẽ là người trực tiếp giảng dạy. Điều này rất quan trọng, vì việc Bí thư Đảng ủy trực tiếp giảng, truyền đạt Nghị quyết cho Đảng bộ sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, bắt buộc người đó phải đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp với liên hệ tình hình địa phương để triển khai học tập cho Đảng bộ đạt chất lượng cao, từ đó mới đi vào thực hiện tốt được chứ không “phó mặc” việc truyền đạt Nghị quyết cho BTG Huyện ủy như trước nữa. Hơn nữa, trong quá trình các đơn vị triển khai Nghị quyết, BTG Huyện uỷ đều phân công cán bộ theo dõi, quản lý chặt chẽ từ việc giờ giấc đến quân số, chất lượng học thực. Cán bộ BTG thực hiện điểm danh bất ngờ đối với cán bộ, đảng viên học tập Nghị quyết vào bất kỳ thời gian nào trong buổi học. Và nếu đồng chí nào vắng mặt dù là đầu buổi, giữa buổi hay cuối buổi thì đều bị phê bình trước tập thể và bắt buộc sẽ phải tham dự học lại lớp sau. Ngoài ra, đối với cán bộ, đảng viên nào không đến học mà không có lý do chính đáng sẽ bị đưa đến học lớp của quần chúng hoặc lớp ghép theo cụm… Điều này đã “đánh” vào ý thức của mỗi người đảng viên nên đa phần người tham dự học rất nghiêm túc, đặc biệt là sau khi Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai, ý thức này càng được nâng cao. Cán bộ, đảng viên hiện nay cơ bản có trình độ học vấn tương đối cao, có nền tảng kiến thức rộng, có đầy đủ phương tiện để cập nhật thông tin (báo, tạp chí, thiết bị nghe, nhìn, internet…) nên khả năng tự nghiên cứu để nắm bắt Nghị quyết là có thể. Tuy nhiên, nếu hội nghị học tập mà người báo cáo viên chỉ đọc và nghiên cứu trong phạm vi Nghị quyết thì sẽ không tạo được sự hào hứng tiếp thu của người học. Bởi vậy, bên cạnh việc trình bày, giới thiệu những nội dung cơ bản, cốt lõi tinh thần của Nghị quyết, Huyện ủy Yên Lạc chỉ đạo các báo cáo viên phải gợi mở, giải đáp, trao đổi những vấn đề mới, vấn đề khó và những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm. Trước đây, báo cáo viên có ưu thế về nắm bắt, sở hữu thông tin, thậm chí có thể “độc quyền thông tin”. Thời gian gần đây (đặc biệt việc triển khai học tập các Nghị quyết TƯ 4, TƯ 5, TƯ 6, TƯ 7) được Huyện ủy Yên Lạc đổi mới cách thức nghiên cứu, truyền đạt nên khiến cho việc độc quyền thông tin gần như là không thể. Trong mỗi lớp học Nghị quyết dù là ở lớp cán bộ chủ chốt, lớp đảng viên hay lớp quần chúng thì khả năng cuốn hút người nghe của báo cáo viên trực tiếp giảng được tăng thêm khi họ đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng, gợi mở thêm các vấn đề liên quan, tạo cho người học niềm hứng khởi, sự say mê trong quá trình tự học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, các lớp học tập và nghiên cứu Nghị quyết của Đảng ở Yên Lạc thường được bố trí số lượng người học vừa phải, Đảng bộ nào có từ 250 đảng viên trở lên thì phải bố trí làm 2 lớp. Có như vậy, mới tránh được những hạn chế như: “loãng” thông tin hay nói chuyện ồn ào… Với cách làm này, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp. Việc triển khai Nghị quyết được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, do đó, nhiều Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết của Đảng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Hạn chế rõ nhất được BTG Huyện ủy chỉ ra đó là vẫn còn ít đảng viên chủ động đề xuất được các biện pháp thực hiện, ý kiến góp ý để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đây cũng chính là vấn đề mà Huyện ủy Yên lạc sẽ tiếp tục nghiên cứu khắc phục trong việc triển khai học tập, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng. Bình Duyên |