Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ trình bày cho biết: từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 1,571 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý gần 673 ngàn đơn thư. Thanh tra Chính phủ đánh giá, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng tăng lên, cụ thể về số lượng vụ việc tăng 26,4%, về lượt đoàn tăng 64,5%. Tính chất, mức độ tuy có giảm nhưng tình hình khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương. Nhiều vụ việc phát sinh từ nhiều năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Có hiện tượng liên kết để khiếu kiện, một số bị xúi dục kích động nên đã có hành vi quá khích, gây rối. Tình hình khiếu nại, tố cáo trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị-xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm. Theo phân tích tình hình, nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân có 70% liên quan đến đất đai, số còn lại liên quan đến tình hình mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý; trong quản lý tài chính ngân sách nhà nước; bao che cho cán bộ dưới quyền, cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng trong hoạt động tố tụng… Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết: cùng thời gian trên, các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã tiếp hơn 1,571 triệu công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý gần 673 ngàn đơn khiếu nại tố cáo. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết gần 257,5 ngàn đơn khiếu nại (đạt trên 88%), qua phân tích có 19,8% khiếu nại đúng; 28% số vụ có đúng, có sai và 52,2% số vụ khiếu nại sai. Đã giải quyết gần 33,2 ngàn đơn tố cáo (đạt trên 84%), qua phân tích có 16,2% tố đúng; 29,6% tố cáo có đúng có sai và 54,2% đơn tố cáo sai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi về cho nhà nước gần 1.026 tỷ đồng; 1241 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỷ đồng và 936 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ với 382 người. Phân tích các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong quá trình phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc thu hồi đất đã bộc lộ sự chưa nhất quán trong cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ; do đất đai có tính lịch sử chưa được giải quyết dứt điểm; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; công tác quản lý về đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo, nhiều cán bộ lợi dụng để tham nhũng tiêu cực, trục lợi; công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai; công tác giám sát của các cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị xã hội chưa được thường xuyên. Đánh giá về việc thực hiện Thông báo 130 của Bộ Chính trị và Quyết định 858 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác tiếp dân, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhận định: các cấp ủy, các ngành đã ban hành chương trình hành động để lãnh đạo; quan tâm bố trí trụ sở tiếp dân; kiện toàn đội ngũ làm công tác tiếp dân… nên góp phần nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, nhất là Ban Thường vụ cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự báo, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn ra phức tạp và tập trung vào lĩnh vực đất đai, nhất là ở những địa bàn thu hồi đất của nhân dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Thanh tra Chính Phủ đề ra 4 chủ trương: coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị; tập trung kiểm tra, rà soát, phối hợp, tuyên truyền, vận động để giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đồng thời giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh tại cơ sở; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng; hoàn thiện cơ chế phối hợp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để thực hiện chủ trương trên, Thanh tra Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp: tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo; các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an ninh, trật tự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường sự phối hợp giưa Trung ương và địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm thực hiện có hiệu quả 5 yêu cầu: tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thẩm định tính phức tạp quyết liệt của từng vụ việc để có hồ sơ cụ thể, phân cấp từ cơ sở đến Trung ương trong việc giải quyết; xác định có sai hay không sai; nếu sai phải sửa và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó mời đương sự cùng đối thoại. Các địa phương chủ động lập hồ sơ, lên phương án về sử dụng đất đai, coi trọng sự phát triển vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, theo đó cần làm tốt công tác qui hoạch, thẩm định qui hoạch chặt chẽ, công khai, sát thực tế và chăm lo đến đời sống nhân dân; Chính phủ sẽ trình Trung ương sửa đổi Luật Đất đai, tránh chồng chéo và phát sinh mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại, tố cáo; yêu cầu các cấp cần năm vững tình hình, chủ động xử lý tình hình không để khiếu kiện đông người; yêu cầu các cơ quan báo chí rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, cần khách quan, tránh thông tin một chiều, góp phần ổn định tình hình; tăng cường thực hiện tốt Thông báo 130 của Bộ Chính trị và Quyết định 858 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác tiếp dân. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành,các huyện, thành, thị xác định đây là nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành; vì vậy yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định: trong quá trình phát triển, có những diễn biến phức tạp cần rà soát lại thủ tục để xác định thẩm quyền đã được giao, đồng thời qua kinh nghiệm của các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đúng pháp luật, đảm bảo phù hợp thực tế. Nguyễn Trọng |