Với sự phát triển của công nghệ cùng những tiện ích đi kèm, mạng xã hội đã và đang trở thành một kênh giao tiếp, kết nối quan trọng của con người trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, hiện tượng sử dụng lời lẽ khiếm nhã cũng có chiều hướng gia tăng trên môi trường mạng, gây ra tâm lý tiêu cực, thậm chí làm giảm giá trị đạo đức trong cộng đồng mạng. Thực trạng này đòi hỏi cần được chấn chỉnh, loại bỏ, góp phần xây dựng môi trường mạng văn minh.
Mới đây, vụ việc một cán bộ thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh bị kỷ luật do bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, ngày 6/3, ông T.D.T, cán bộ Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia một cuộc tranh luận trên mạng về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bình luận của ông chứa đựng những lời lẽ khiếm nhã và phân biệt vùng miền khi cho rằng Quảng Bình là "dân hạng 2".
Phát ngôn này đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng ông đã thiếu tôn trọng đối với người dân tỉnh bạn. Không chỉ gây tổn thương cho các cá nhân và cộng đồng, hành động này còn ảnh hưởng đến hình ảnh của các tổ chức, cơ quan Nhà nước.
Đáng tiếc những vụ việc như trên không phải là hiếm gặp trên không gian mạng. Năm 2024, dưới bài đăng của NSND Tự Long trên trang cá nhân về chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" mà nghệ sỹ tham gia, một số antifan đã để lại bình luận khiếm nhã, mang tính châm chọc, xúc phạm nghệ sỹ này.
Nam nghệ sỹ đã thể hiện sự bất bình và cho biết: “Ai yêu ai, thích ai cũng được. Nhưng hãy nhớ chúng ta đang thưởng thức nghệ thuật dưới góc nhìn của những người có văn hóa”.
Ngày nay, mạng xã hội đang ngày càng trở thành nơi để mọi người thể hiện bản thân, cảm xúc, quan điểm cá nhân. Ở đó, mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa, tất cả các cá nhân đều có thể chủ động tham gia thảo luận, đưa ra ý kiến của bản thân.
Tuy nhiên, chính sự tự do này cũng khiến nhiều người bắt đầu hình thành thói quen bình luận một cách vô tư, không kiểm soát, thậm chí là mạt sát, xúc phạm, hay chỉ trích thô lỗ mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lớn, không chỉ ảnh hưởng đến người bị nhắm đến mà còn làm mất đi sự lành mạnh, tích cực của không gian mạng, tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục ý thức, hình thành thói quen tích cực khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Thực hiện Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2023-2030" nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng.
Văn hóa ứng xử trên ghế nhà trường là nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường ứng xử văn minh trên mạng xã hội. (Trong ảnh: Xây dựng văn hóa ứng xử học đường tại Trường tiểu học An Tường, huyện Vĩnh Tường). Ảnh: Đức Chung
Thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã duy trì hiệu quả các trang facebook như Thanh niên Vĩnh Phúc, Trang thông tin Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc…; chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả các tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội.
Đặc biệt, Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” cũng được triển khai một cách có hiệu quả bằng cách đăng tải, tuyên truyền về những hành động, nghĩa cử cao đẹp, gương người tốt, việc tốt trên website, fanpage của đơn vị.
Qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng trong kỷ nguyên số hóa.
Cùng với đó, năm 2024 vừa qua, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc đã phát động Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên về ứng xử văn minh trên không gian mạng với 4 quy tắc ứng xử căn bản “Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm”.
Đồng thời, các kênh, website do Đoàn Thanh niên quản lý cũng chủ động tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các tin, bài viết về “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”; đấu tranh, lên án các hành vi, trào lưu trái pháp luật, không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội đang ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Và để thay đổi tình trạng này, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chúng ta cần thay đổi từ chính thái độ của mỗi người, suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra ý kiến trên mạng. Hãy để không gian mạng trở thành nơi lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Nguyễn Hường