Công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho học sinh được các nhà trường quan tâm triển khai thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, góp phần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh.
Giáo viên Trường tiểu học Kim Xá hướng dẫn học sinh kỹ năng nấu ăn để phục vụ bản thân và gia đình. Ảnh: Kim Ly
Hiện nay, một bộ phận trẻ em thiếu những kiến thức cơ bản về cuộc sống, sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, thiếu kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… khiến các em thiếu tự tin, không thể tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Trên thực tế đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em, điện giật, đuối nước, ngã, cháy… Những tai nạn này có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng bảo vệ thiết yếu.
Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi để học sinh học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Xá, huyện Vĩnh Tường cho biết, bên cạnh công tác giáo dục kiến thức văn hóa, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường phối hợp với Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn Kỹ năng sống cho các em học sinh từ khối 1 đến khối 5 với tần suất mỗi tuần 1 tiết.
Các em được giáo dục các kỹ năng sống tự lập, tự chăm sóc sức khỏe bản thân; kỹ năng tham gia giao thông an toàn; kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra hỏa hoạn; kỹ năng tự vệ, phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng kiểm soát cảm xúc, sống yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh… Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ các em thực hành những kỹ năng đó trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ còn được lồng ghép trong các môn học khác, để các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, hiệu quả. Hằng tháng, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo từng chủ đề, chủ điểm.
Trong tháng 9/2023, nhà trường đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Em yêu trường em”, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, vệ sinh trường lớp, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, tạo không gian sạch, đẹp cho trường, lớp. Buổi sinh hoạt ngoại khóa tháng 10 đã được nhà trường lên kế hoạch tổ chức với chủ đề “Sống yêu thương, chia sẻ”, tháng 11 với chủ đề “Biết ơn thầy cô”…
Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh, theo sát và nhắc nhở các con thực hành các kỹ năng sống trong cuộc sống hằng ngày. Nhà trường phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường tuyên truyền về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em…
Thông qua các hoạt động giúp hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong lứa tuổi học sinh, giúp các em trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Để phát triển toàn diện, bên cạnh việc nắm vững kiến thức giáo dục từ nhà trường, các em học sinh cần được dạy các kỹ năng cơ bản và trưởng thành trong môi trường lành mạnh. Thầy giáo Trần Đức Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập, huyện Sông Lô cho biết: "Với đặc thù trường nằm ở khu vực nông thôn, đa số các em học sinh khá nhút nhát, thiếu những kỹ năng sống cần thiết, do đó, những năm học gần đây, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng bơi lội, kỹ năng tự vệ... cho học sinh thông qua các tiết học kỹ năng sống và lồng ghép trong các hoạt động của Đoàn, Đội.
Hằng tuần, nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ, phổ biến cho các em những nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng phòng, chống bệnh tật theo mùa, kỹ năng phòng, chống đuối nước…
Nhà trường thành lập và duy trì các câu lạc bộ theo sở thích, thu hút nhiều học sinh tham gia, tạo môi trường để các em rèn luyện, thực hành các kỹ năng cần thiết. Các thầy, cô trong trường tích cực tham gia các cuộc thi kỹ năng sống để tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và trang bị cho học sinh trong trường".
Với việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ tại các nhà trường, các em học sinh có thêm hiểu biết về cuộc sống xung quanh, học hỏi những kỹ năng cần thiết để sinh tồn trong môi trường tự nhiên và xã hội.
Bạch Nga