Hiện nay, nhiều cây cầu trên các tuyến giao thông đường bộ trong tỉnh xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp do thời gian đưa vào khai thác sử dụng đã lâu năm mà chưa được sữa chữa, nâng cấp nhưng hàng ngày vẫn phải “gồng mình” để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Dù xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhưng hàng ngày vẫn có hàng nghìn phương tiện lưu thông qua cầu Bòn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sở GTVT hiện đang thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hơn 450 km đường Quốc lộ, đường tỉnh và đường nội thị với gần 80 cây cầu trên các tuyến.
Riêng các tuyến đường tỉnh hiện có gần 60 cây cầu được đầu tư xây dựng, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng, do chưa được sửa chữa, nâng cấp, nhiều cây cầu bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nghiêm trọng.
Điển hình trên ĐT.302, điểm từ thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) đến xã Bắc Bình (Lập Thạch) dài 35,6 km, trên tuyến có 5 cầu gồm Cầu Bòn, Tre, Thai Léc, Bồ Lý, Chang. Trong đó, cầu Bòn nối thị trấn Gia Khánh với xã Hương Sơn (Bình Xuyên) dài 31,7 m, tải trọng thiết kế 10 tấn nhưng với tuổi thọ hơn 50 năm hiện đang trong tình trạng kỹ thuật yếu và không còn đáp ứng được lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến mỗi ngày.
Rung lắc mạnh mỗi khi có phương tiện tải trọng lớn đi qua là những hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến khi có mặt tại cầu Bòn. Hiện nay, nhiều hạng mục của cầu bị xuống cấp nghiêm trọng như đầu cầu bị nứt, thành bảo vệ gãy hỏng, lan can cầu bị vỡ và chỉ được "vá tạm" bằng những thanh tre, gỗ và nghiêng hẳn về một bên.
Dù đã được cắm biển hạn chế tải trọng nhưng tại đây, nhiều lái xe ô tô tải cỡ lớn vẫn làm ngơ trước cảnh báo, nhắc nhở của cơ quan chức năng và tiếp tục cho xe lưu thông qua cầu.
Bà Lê Thị Hậu, đang sinh sống tại Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh cho biết: “Hằng ngày, không chỉ có con em địa phương mà còn lực lượng lớn công nhân ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các xã thuộc huyện Tam Đảo thường xuyên lưu thông qua đây đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện như Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Bá Thiện I…
Do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến lớn, nhiều lần tại khu vực cầu xảy ra va chạm giao thông. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra trên địa bàn huyện, cử tri nhiều lần kiến nghị với cấp trên về việc cải tạo, sửa chữa và xây mới cầu Bòn để người dân yên tâm hơn khi lưu thông qua đây”.
Phần lan can trên cầu Bòn được vá tạm bằng những thanh tre, gỗ. Ảnh: Nguyễn Lượng
Được biết, UBND thị trấn Gia Khánh đã nhận được văn bản số 681 ngày 10/3/2023 của Sở GTVT về việc tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng cầu Bòn trên ĐT.302.
Sau khi kiểm tra, rà soát, đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất do UBND thị trấn quản lý, địa phương đã có văn bản trả lời số 108 ngày 22/3/2023 và khẳng định:
Dự án Xây dựng cầu Bòn trên ĐT.302 trên địa bàn hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị trên địa bàn thị trấn Gia Khánh.
Đồng thời phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của huyện Bình Xuyên và không có sự trùng lặp với các dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn nằm trên giấy khiến chính quyền và người dân ngày ngày ngóng trông.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh Ngô Xuân Thắng cho biết: Cầu Bòn được xây dựng từ nhiều năm về trước hiện đã xuống cấp, diện tích lòng cầu hẹp, không còn đáp ứng năng lực lưu thông trên tuyến.
Dự án xây dựng cầu Bòn trên ĐT.302 do Sở GTVT đề xuất hoàn toàn phù hợp về quy mô, giải pháp thiết kế xây dựng. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của địa phương rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường và xây dựng lại cầu mới.
Nỗ lực cải tạo, nâng cấp, xây mới cầu xuống cấp, những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh chủ động rà soát, lập danh sách, chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì tích cực tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những hư hỏng trên cầu và báo cáo Sở GTVT lập dự án sửa chữa khắc phục kịp thời.
Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; tổ chức kiểm định, thử tải để cắm lại hoặc xóa bỏ các biển báo hạn chế tải trọng tại một số cầu như cầu Vũ Di tại Km10+020 trên Quốc lộ 2C, cầu Số 6 tại Km5+900 trên Quốc lộ 2B…
Đồng thời, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, triển khai xây mới nhiều cầu trên địa bàn tỉnh thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) như: Cầu Giã Bàng tại xã Tề Lỗ (Yên Lạc), cầu Hương tại thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), cầu Lò Cang tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên)…
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư để quy hoạch, lập dự án, đầu tư xây mới nhiều cây cầu có vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh như cầu Vĩnh Phú nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên…. Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn là sự kết nối văn hóa, giao lưu kinh tế giữa các vùng, địa phương trong và ngoài tỉnh.
Với đồng bộ giải pháp các cấp chính quyền trong tỉnh đang triển khai thực hiện, những cây cầu xuống cấp, hư hỏng, yếu về kỹ thuật trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nâng cấp, xây mới trong thời gian tới bảo đảm trật tự ATGT và đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của tỉnh.
Ngọc Lan