Mã bài viết: 97967
17/08/2023
Thăm ATK Định Hóa, nhớ những ngày lịch sử chưa xa

Giữa những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm ATK Định Hóa (Thái Nguyên) – một phần của căn cứ địa Việt Bắc, được mệnh danh là thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn của một thời cách mạng chưa xa, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng lập căn cứ địa chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ hướng đến ngày đất nước toàn thắng.

Giữa những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm ATK Định Hóa (Thái Nguyên) – một phần của căn cứ địa Việt Bắc, được mệnh danh là thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn của một thời cách mạng chưa xa, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng lập căn cứ địa chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ hướng đến ngày đất nước toàn thắng.


Lán Tỉn Keo, nơi làm việc của Bác trong thời gian Người ở ATK Định Hóa

Nghe nhiều, đọc nhiều về Việt Bắc, về ATK nhưng có đi, có đến mới thấy, có được thành tựu tiềm lực lớn lao, đàng hoàng như hôm nay, Đảng, Bác Hồ kính yêu và toàn dân tộc đã phải trải qua những gian nan, vất vả và hy sinh đến nhường nào.

Nói về ATK, tưởng cũng cần nhắc lại đôi chút về lịch sử cách mạng Việt Nam những ngày còn trứng nước. Ấy là ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối đầu với bao thử thách. Từ giặc đói, giặc dốt đến giặc ngoại xâm từ Á, Âu đều lăm le ngoài đất Bắc, dòm ngó phương Nam.

Trước tình huống ngàn cân treo sợ tóc ấy, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với những câu nói bất hủ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …"

Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên ATK Việt Bắc. Nơi ở, làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nà Tra.

Căn nhà Bác ở có vách nứa thoáng mát, trên vách treo chiếc áo the dài, khăn xếp, chiếc ô (những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác); dưới sàn có hai chiếc vali đựng tài liệu, quần áo; giữa sàn trải một chiếc chiếu… đó là tất cả “tiện nghi” của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại ATK.

Cách nhà Bác không xa là căn nhà nhỏ, giữa hai căn nhà là sân đất sạch sẽ, góc sân có xà đơn, xà kép để tập thể dục, cạnh đó là hầm tránh máy bay. Từ nơi Bác ở có đường mòn xuống Đại Từ, ra Phú Lương (Thái Nguyên), sang Sơn Dương (Tuyên Quang), lên Chợ Đồn (Bắc Kạn) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.

Để bảo đảm bí mật, Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, lúc ở Định Hóa (Thái Nguyên), lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), khi ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), Võ Nhai (Thái Nguyên).

Từ thủ đô kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại nơi đây, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo quan trọng, kịp thời đẩy mạnh hoạt động ở các khu, các tỉnh trong toàn quốc.

Từ ATK, Bộ Tổng chỉ huy ra bản huấn lệnh gửi Nam Bộ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho phong trào kháng chiến Nam Bộ tiếp tục đứng vững, phát triển. Đồng thời, nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể, thích hợp cho từng chiến trường và quyết định mở các chiến dịch quan trọng như chiến dịch Trung Du (1950), Đường 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông - Xuân 1951 - 1952), Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Thượng Lào (Xuân - Hè 1953).

Từ ATK, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. ATK cũng là nơi Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra chủ trương chỉ đạo các hoạt động về kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước.

Tại ATK, cùng với việc đưa ra những chủ trương, quyết sách quan trọng, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cuối năm 1947, tại ATK, Bác viết cuốn tài liệu quan trọng “Sửa đổi lối làm việc” (bút danh X.Y.Z), là cẩm nang để đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong cách mạng.

ATK cũng là nơi thực hiện chế độ dân chủ mới, nơi đồng bào các dân tộc sớm được hưởng nền tự do, dân chủ. Bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Không những là nơi thực hiện thí điểm một số chính sách về kinh tế, tài chính, xây dựng đời sống văn hóa…, căn cứ địa ATK còn là đầu mối duy trì các mối liên hệ trong và ngoài nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt, vùng tự do, vùng bị địch tạm chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông, liên lạc gặp nhiều khó khăn, nhưng sự liên hệ giữa ATK với các địa phương, chiến trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam luôn được giữ vững.

Đóng vai trò “Thủ đô kháng chiến” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ. Năm 1948, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Thủ tướng Chu Ân Lai bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Từ ATK, chuyến đi bí mật của Bác Hồ sang Trung Quốc, Liên Xô (1/1950) đã mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.


Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trên đỉnh đèo De, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Các nước bạn Trung Quốc, Liên Xô và sau đó là một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Năm 1950, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tiếp các đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển… tại đây

Ngày nay, ATK Định Hóa được Đảng và Nhà nước ta xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, là điểm đến không thể thiếu cho các thế hệ kế tiếp ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Theo chỉ dẫn của sơ đồ quần thể di tích ATK, chúng tôi đến thăm những địa danh đã đi vào lịch sử như đèo De, núi Hồng, Chợ Chu, đồi Khau Tý, thác Khuôn Trát, lán Tỉn Keo, chùa Hang…

Dừng chân tại nhà trưng bày truyền thống ATK Định Hóa dưới chân đèo De, chúng tôi được tham quan những tư liệu lịch sử về Bác Hồ và cuộc kháng chiến ở Việt Bắc nơi thủ đô gió ngàn.

Mỗi hình ảnh, tư liệu như những câu chuyện kể chân thực và gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và những năm tháng kháng chiến ở ATK.

Trên đỉnh đèo De bốn bề lộng gió, xa xa là ngọn núi Hồng sừng sững, xung quanh là những đồi chè, đồi cọ xanh ngút ngàn, nhìn mái vòm cong vút in hình lên nền trời xanh của Nhà tưởng niệm Bác Hồ tạo nên một không gian cổ kính, thiêng liêng.

Thấp thoáng bên những triền núi, bên những con suối là những địa điểm di tích trong quần thể hòa vào màu xanh của cây lá, trong những bản làng của đồng bào dân tộc Tày.

Mỗi điểm di tích là một sự kiện, một tư liệu lịch sử, một câu chuyện còn lưu giữ trong sử sách, bia đá và tâm khảm mỗi con người vùng ATK.

Theo con đường làng uốn lượn quanh cánh đồng và con suối Đình, chúng tôi đến thăm đồi Khau Tý, nơi cách đây 76 năm, Bác Hồ chọn là nơi làm việc bí mật và soạn thảo những sắc lệnh quan trọng trong cuộc kháng chiến.

Phía trên đỉnh đồi, bên lán làm việc của Bác năm xưa là khung cảnh thơ mộng, hữu tình của những cây cổ thụ tỏa bóng, hoa rừng và những vạt măng vầu mọc tua tủa, bạt ngàn khắp triền đồi.

Giữa khung cảnh ấy, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bộn bề công việc, nhưng tâm hồn Bác luôn lộng gió và chính ở đỉnh đồi Khau Tý, Bác đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Chúng tôi cũng đến Di tích lịch sử lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc thôn Nà Lọm, xã Phú Đình. Căn lán đơn sơ, mộc mạc được đồng bào nơi đây coi là “Phủ Chủ tịch của lòng dân”. Bởi lẽ, theo lời kể của các chứng nhân lịch sử, Tỉn Keo đã đáp ứng được các tiêu chí: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”.

Tại đây, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã họp và chỉ đạo, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954). Cuộc họp quan trọng diễn ra vào ngày 6/12/1953, để quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ Khau Tý, chúng tôi sang thăm Chợ Chu, trung tâm của huyện Định Hóa. Mặc dù nơi đây đô thị đang phát triển và mang đến cho vùng đất này một màu sắc tươi mới, nhưng phố núi vẫn lưu giữ những địa điểm di tích mang đậm nhiều dấu tích lịch sử.

Cách thị trấn Chợ Chu không xa là cây đa lịch sử gắn liền với cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám vẫn xanh tốt và là “chứng nhân” lịch sử còn mãi với thời gian.

Những dòng chữ trong tấm bia lịch sử như làm dậy lên không khí sôi sục của những ngày đầu tổng khởi nghĩa: “Nơi đây, ngày 28-31945, đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử với hàng ngàn quần chúng cách mạng tham gia. Tại cuộc mít tinh này, Việt Minh Định Hóa tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai”.

Còn rất nhiều điểm di tích trong quần thể ATK Định Hóa tuy chúng tôi chưa có điều kiện đến thăm nhưng có lẽ, khi đến vùng đất lịch sử, nơi thủ đô gió ngàn dâng nén tâm hương bên bàn thờ Bác, trong mỗi chúng con đều dâng lên niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, về những trang sử hào hùng của cha anh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và nguyện rèn luyện, lao động, học và làm theo di nguyện của Người xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Bài, ảnh: Long Dương