Giới quan sát đánh giá bà Kamala Harris không còn giữ lợi thế trước ông Donald Trump như giai đoạn đầu cuộc tranh cử.
Giới quan sát đánh giá bà Kamala Harris không còn giữ lợi thế trước ông Donald Trump như giai đoạn đầu cuộc tranh cử.
Chỉ hơn 10 ngày nữa, Mỹ sẽ bước vào ngày bầu cử chính thức để chọn ra người dẫn dắt đất nước trong 4 năm tới. Đến nay, các kết quả thăm dò vẫn thể hiện một cuộc đối đầu gay cấn và sít sao giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ phía Dân chủ Kamala Harris.
Phó tổng thống Kamala Harris tại buổi tiếp xúc cử tri của Đài CNN ngày 23/10.
Phe Dân chủ lo ngại
"Sóng xanh" với đông đảo thành viên đảng Dân chủ đã ủng hộ Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kể từ khi bà đứng ra tranh cử, giờ đây kỳ vọng bà có thể tạo ra một cú hích để có thể thu hút cử tri trong giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về chiến lược vận động của bà Harris trong tuần này, và một số đảng viên Dân chủ cảm thấy ông Trump dần tạo được đà đi lên và chiếm ưu thế, theo The Hill.
Bà Harris khởi đầu tuần này với lịch trình bận rộn, khi vận động tại 3 bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin chỉ trong một ngày 21/10, tiếp đó là phỏng vấn với các hãng truyền thông trong ngày 22 – 23/10. Điều khiến giới quan sát hoài nghi là việc bà đến thăm bang Texas vào ngày 25/10, nơi vốn được xem là thành trì của đảng Cộng hòa và không nhiều cơ hội để phe Dân chủ giành chiến thắng ở đây. Các khảo sát cũng đề cập khoảng cách an toàn mà bà Harris từng tạo ra so với ông Trump dần bị thu hẹp.
Thăm dò của The Hill/Decision Desk HQ ngày 24/10 tổng hợp hơn 280 khảo sát chỉ ra bà Harris vẫn dẫn trước ông Trump khoảng 0,9 điểm phần trăm, song khoảng cách này đã được rút ngắn đáng kể so với những tháng trước. Trong khi đó, dự đoán người chiến thắng nêu trên lần đầu "đổi chiều" trong tuần này, khi cho rằng ông Trump có 52% cơ hội tái đắc cử, sau hơn 2 tháng dự đoán phần thắng cao hơn sẽ thuộc về ứng viên Dân chủ.
Chuyên gia thăm dò dư luận Frank Luntz của đảng Cộng hòa nhận định trên Đài CNN hôm 22/10 rằng bà Harris đã có 60 ngày tuyệt vời nhất trong số các ứng viên tổng thống Mỹ thời hiện đại. Tuy nhiên, ông cho rằng đà ủng hộ bà Harris đã bị "đóng băng" kể từ khi chuyển trọng tâm sang công kích ông Trump thay vì tập trung vào các thông điệp chính sách.
Ông Trump đổi lập trường
Về phía ông Trump, tuần này ông đã đối mặt những rắc rối mới. Đầu tiên là tờ The New York Times ngày 23/10 dẫn lời ông John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời ông Trump, tố cựu tổng thống có những tiêu chí của một người "phát xít", cáo buộc ông Trump từng dành lời khen ngợi nhà độc tài Adolf Hitler.
Tiếp đó, tờ The Guardian cùng ngày đăng bài phỏng vấn cựu người mẫu Stacey Williams tố ông Trump từng quấy rối bà tại Tháp Trump hồi năm 1993. Phía ông Trump đã phủ nhận những cáo buộc trên. Việc những thông tin này có ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri Mỹ hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Tạp chí Forbes ngày 23/10 dẫn số liệu từ trang thống kê TargetSmart chỉ ra hơn 18 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, trong đó ghi nhận lượng cử tri Cộng hòa với gần 8 triệu người. Thời điểm bỏ phiếu sớm thường ghi nhận sự chênh lệch đáng kể của phe Dân chủ. Năm nay, ông Trump đã thay đổi lập trường và kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu sớm.
Dữ liệu từ Đại học Florida (Mỹ) chỉ ra 43% cử tri Dân chủ bỏ phiếu sớm và 35% đến từ phe Cộng hòa tại 25 bang. Con số trên đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ông Trump nếu so với năm 2020, thời điểm cựu tổng thống lan truyền thông tin gian lận phiếu bầu qua thư. Thời điểm đó, Đại học Florida thống kê 53% cử tri Dân chủ đã bỏ phiếu sớm tại 17 bang, trong khi đảng Cộng hòa chỉ là 25%.
Bỏ phiếu sớm còn giúp chiến dịch tranh cử các bên sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bởi họ chỉ cần nhắm đến nhóm cử tri chưa tham gia bầu cử. Việc kêu gọi cử tri đi bầu còn là mục tiêu quan trọng của mỗi ứng viên để tăng cơ hội chiến thắng. Hồi năm 2020, khoảng 66% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu.
Q.N (theo Báo Thanh niên)