Trong khi sức ép của Mỹ chưa đủ khiến Israel xuống thang, các nước Ả Rập tại Trung Đông đang giao thiệp nhiều hơn với cừu thù Iran để ngăn xung đột lan rộng.
Trong khi sức ép của Mỹ chưa đủ khiến Israel xuống thang, các nước Ả Rập tại Trung Đông đang giao thiệp nhiều hơn với cừu thù Iran để ngăn xung đột lan rộng.
Hôm qua (23/10), chiến sự giữa Israel và các tổ chức tại khu vực Trung Đông vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có mặt tại khu vực. Quân đội Israel tuyên bố không kích TP.Tyre của Li Băng sau khi phát cảnh báo sơ tán, đồng thời bắn hạ 3 máy bay không người lái (UAV) được phóng từ phía đông, ám chỉ Iraq, và nhiều quả rốc két từ Li Băng.
Theo Reuters, một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và đoàn báo chí tháp tùng Ngoại trưởng Blinken đã bỏ dở bữa sáng để xuống hầm trú bom khi còi báo động vang lên tại Tel Aviv.
Tel Aviv "bỏ ngoài tai" ý kiến của Washington
Ông Blinken đang có chuyến thăm thứ 11 đến khu vực trong năm nay, trong nỗ lực tận dụng thời cơ sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và thả con tin, đồng thời tìm cách tháo ngòi xung đột tại Li Băng.
Tuy nhiên, những kêu gọi của Mỹ được cho là đang bị bỏ ngoài tai. Trong tuyên bố ngày 22/10, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng việc loại trừ ông Sinwar có thể có tác động tích cực lên tình hình nhưng không hề nhắc đến khả năng ngừng bắn.
Khói bốc lên từ ngoại ô Beirut (Li Băng) tối 22/10.
Báo The Times of Israel dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ giới lãnh đạo Israel đảm bảo với ông Blinken rằng Tel Aviv đang không thực hiện chiến dịch phong tỏa miền bắc Gaza, nhưng từ chối tuyên bố công khai cam kết này theo đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ. Trong một cuộc họp riêng, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với Ngoại trưởng Blinken rằng Israel sẽ tiếp tục tấn công Hezbollah ngay cả khi chiến dịch trên bộ tại Li Băng chấm dứt.
Mặt khác, chuyến thăm của ông Blinken cũng diễn ra khi Israel chuẩn bị đáp trả vụ tấn công tên lửa hồi đầu tháng của Iran. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ứng theo cách sao cho không làm leo thang mạnh hơn tại khu vực. Ông Gallant bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ sau khi Israel đáp trả Iran.
Khối Ả Rập hành động
Ngày càng lo ngại về khả năng giảm căng thẳng bất thành của Mỹ, các đồng minh Ả Rập thân cận nhất của Washington tại khu vực đang tăng cường đối thoại với Iran để không bị ảnh hưởng trong trường hợp xung đột lan rộng, theo CNN.
Các nước Ả Rập, tiêu biểu là Ả Rập Xê Út, trải qua hàng thập niên ganh đua với Iran để giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo và sức ảnh hưởng tại khu vực. Mặc dù nhận thấy cơ hội làm suy yếu sức ảnh hưởng của Iran tại khu vực nếu Israel tấn công, các nước Ả Rập lại đang chọn con đường trung lập. Trong một tháng qua, Iran đã cử các quan chức cấp cao đến nhiều nước Ả Rập trong khu vực trong chiến dịch ngoại giao mạnh mẽ. Trong một phát biểu tại Kuwait sau khi đến thăm nhiều nước Ả Rập, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết tất cả các nước đã đảm bảo lãnh thổ và không phận của họ sẽ không được sử dụng cho việc tấn công Iran.
Lý giải việc này, chuyên gia Cinzia Bianco tại tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) đánh giá ưu tiên của các vương triều Ả Rập vùng Vịnh là không bị liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột và cách tốt nhất để tránh khả năng đó là trở thành người đối thoại cho các bên trong xung đột.
Theo bà Bianco, mặc dù hầu hết các nước Ả Rập vùng Vịnh phụ thuộc vào mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ, song niềm tin của họ đối với nước đồng minh đã chuyển biến trong bối cảnh Washington dần rút chân khỏi Trung Đông để tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương. Ả Rập Xê Út và UAE từng nhiều lần bị các nhóm đồng minh Iran tấn công trong vài năm qua nhưng không được Mỹ hỗ trợ và họ đang hoài nghi về cam kết bảo vệ của Washington nếu Tehran hành động.
Q.N (theo Báo Thanh niên)