Cách đây 120 năm, ngày 27/10/1904, thay mặt Toàn quyền Đông Dương Jean Baptiste Paul Beau, Phó Toàn quyền Broni ký nghị định về việc triển khai xây dựng công trình Khu điều dưỡng Tam Đảo. Từ đây, tên gọi Tam Đảo chính thức được bắt đầu, mở ra thời kỳ phát triển của đô thị Tam Đảo ngày nay.
Cách đây 120 năm, ngày 27/10/1904, thay mặt Toàn quyền Đông Dương Jean Baptiste Paul Beau, Phó Toàn quyền Broni ký nghị định về việc triển khai xây dựng công trình Khu điều dưỡng Tam Đảo. Từ đây, tên gọi Tam Đảo chính thức được bắt đầu, mở ra thời kỳ phát triển của đô thị Tam Đảo ngày nay.
Quá trình hình thành
Năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ tìm kiếm trong dãy núi Tam Đảo một địa điểm thuận lợi để đặt trạm nghỉ mát mùa hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930m có một thung lũng hình lòng chảo có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án trên.
Tại đây, có 3 ngọn núi cao nhất của dãy núi là Thiên Thị cao 1.375m, Thạch Bàn cao 1.388m và Phù Nghĩa cao 1.300m nhô lên trên biển mây. Rất có thể địa danh Tam Đảo được biết đến từ đây.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng, tiến độ dự án được triển khai rất chậm, thậm chí có giai đoạn phải từ bỏ hoàn toàn do ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và lý do tài chính.
Kết quả, ở giai đoạn đầu, dự án chỉ nâng cấp được tuyến đường từ Vĩnh Yên lên núi và sau này mới tiếp tục kéo dài thêm 300 - 400m, rồi tới độ cao 930m…
Từ năm 1907, dự án tiếp tục được thực hiện, người Pháp tiến hành mộ phu xây cầu cống và khu nghỉ mát trên thung lũng có đường kính khoảng 2km. Ròng rã trong khoảng 40 năm, Tam Đảo được xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều công trình kiên cố.
Điển hình là Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc, 145 biệt thự lớn, nhỏ của tư nhân và các công ty, nhà điều dưỡng của Hội truyền giáo Tây Ban Nha, đồn lính khố xanh, trường học, trạm y tế, sân vận động, bể bơi, nhà thờ, vườn hoa, công viên, ki ốt, rồi dần dần hình thành 2 làng riêng là làng Tây và làng An Nam.
Dấu ấn cách mạng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người dân bị bắt đi phu ở Tam Đảo chủ yếu đến từ các vùng Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình… để đảm nhiệm việc mở đường, xây dựng các công trình phục vụ trạm nghỉ dưỡng mùa hè chịu nhiều khổ cực đã sớm giác ngộ cách mạng, hình thành nên các đội tự vệ đấu tranh với chế độ thực dân.
Từ tháng 4 đến tháng 7/1945, thực hiện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn (Nguyễn Huy Minh) làm trung đội trưởng đã tổ chức xây dựng cơ sở quần chúng Việt Minh dọc theo chân núi Tam Đảo, trong làng An Nam và trong đội quân Bảo an của địch.
Tháng 7/1945, Trung đội nhận lệnh tiến công tiêu diệt quân Nhật đang chiếm đóng Tam Đảo để mở rộng địa bàn hoạt động của ta. Sáng 16/7/1945, Trung đội phối hợp với lực lượng Bảo an binh và du kích tỉnh Vĩnh Yên chia làm 4 mũi tiến công áp sát tiêu diệt đồn binh Nhật đóng ở khu vực nhà thờ đá Tam Đảo.
Sau nhiều giờ chiến đấu, toàn bộ lính Nhật bị tiêu diệt, bắt sống, ta thu nhiều chiến lợi phẩm gồm hàng chục súng máy, súng bộ binh cùng các loại trang thiết bị vũ khí khác như lựu đạn, ống nhòm...
Thị trấn Tam Đảo được giải phóng, gieo niềm tin lớn vào lực lượng quân đội ta trong quần chúng nhân dân. Với sự tham gia nhiệt thành của người dân, đã xuất hiện nhiều quần chúng ưu tú, yêu nước. Đến tháng 10/1947, Chi bộ Đảng xã Tam Đảo được thành lập với 3 đảng viên.
Bác Hồ thăm công trường xây dựng tái thiết Tam Đảo sau chiến tranh ngày 19/5/1955. Ảnh: Tư liệu
Trong 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây trở thành an toàn khu (ATK), là nơi làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy (giai đoạn từ 25/12/1950 - 16/1/1951).
Đặc biệt, Tam Đảo đã vinh dự được đón Bác Hồ về nghỉ dưỡng và làm việc nhiều lần. Trong đó, đúng dịp sinh nhật lần thứ 65 của Người (19/5/1955), khi về thăm công trường Tam Đảo đang xây dựng, tái thiết sau chiến tranh, Người đã căn dặn: “Phải xây dựng làm sống lại vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh”.
Với những thành tích xuất sắc trong tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Tam Đảo nhiều lần được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Về địa giới hành chính, trước năm 1966, Tam Đảo là một xã thuộc huyện Tam Dương; ngày 18/11/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 198-CP về việc thành lập thị trấn Tam Đảo trực thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2004, huyện Tam Đảo được thành lập, thị trấn Tam Đảo được điều chuyển trực thuộc huyện Tam Đảo.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Tam Đảo luôn phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, đóng góp không nhỏ sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới và phát triển
Sau năm 1986, Tam Đảo từng bước "thay da, đổi thịt", trở thành địa điểm du lịch lý tưởng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ, bao bọc bởi Vườn quốc gia Tam Đảo bốn mùa mây phủ.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự chung tay của người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trấn được đầu tư đúng mức, đường giao thông được mở rộng, tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho người dân và khách du lịch.
Đến nay, thị trấn có gần 200 cơ sở lưu trú, hàng chục khách sạn cao cấp từ 3 sao đến 5 sao với gần 100 nhà hàng cùng 3.500 phòng lưu trú, có thể phục vụ gần 1 vạn khách/ngày đêm, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.
Bồng bềnh Tam Đảo.
Với những đổi thay, phát triển mạnh mẽ, năm 2022, thị trấn Tam Đảo vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia thứ 7 của cả nước. Liên tiếp 2 năm 2022 - 2023, được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới.
Đây là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội lớn thu hút sự quan tâm, đầu tư, chỉnh trang đô thị nhằm hướng tới xây dựng thị trấn Tam Đảo là địa danh du lịch, nghỉ dưỡng an toàn, văn minh, khai thác hết được tiềm năng, lợi thế đặc trưng của vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng.
Thấm nhuần những lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời, trong thời chiến cũng như thời bình, Đảng bộ và nhân dân Tam Đảo luôn có những đóng góp xứng đáng vào thành công của tỉnh, của đất nước. Khu du lịch Tam Đảo đã trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh, là khu du lịch quốc gia và trở thành Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới.
Nhìn lại chặng đường 120 năm hình thành và phát triển, Tam Đảo tự hào với những thành tựu đã đạt được, đồng thời củng cố quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, tích cực, kiên trì đề xuất những giải pháp xử lý các vấn đề còn tồn tại, phấn đấu xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, văn minh như lời Bác Hồ căn dặn.
Đặng Hoàng Lâm
(Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tam Đảo)