Mã bài viết: 117141
15/09/2024
Phát huy giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Vĩnh Phúc

Kỳ 1: Những di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa.

Kỳ 1: Những di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm ấm áp, sâu đậm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước, trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được 8 lần đón Người về thăm, động viên, chỉ đạo công việc. Mỗi địa danh Bác đến thăm, mỗi lời căn dặn của Người đều có ý nghĩa sâu sắc với người dân Vĩnh Phúc. Bởi vậy, việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích mang đậm dấu ấn của Người luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đặc biệt chú trọng. Qua đó giúp mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người, từ đó học tập và làm theo để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

“Địa chỉ đỏ” trên hành trình về nguồn

Chúng tôi tới thôn Lạc Trung, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) vào những ngày mùa Thu tháng 9. Trên còn đường rộng rãi, sạch đẹp, vào thăm Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh rợp bóng cây xanh và cờ đỏ sao vàng.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Dương Nguyễn Xuân Bộ chia sẻ: Dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh, lời nói, sự quan tâm ân cần của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim người Bình Dương.

Cây đa - nơi Bác Hồ ngồi trò chuyện với nhân dân thôn Lạc Trung ngày 25/1/1961. Ảnh: Dương Hà

Thực hiện lời dạy của Bác, người dân thôn Lạc Trung nói riêng và xã Bình Dương nói chung luôn đoàn kết đưa phong trào trồng cây phát triển mạnh mẽ và tích cực tham gia đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hiến đất làm đường, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bình Dương hôm nay khoác lên mình tấm áo mới với đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, ruộng đồng trù phú và trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế đầy sức sống của huyện Vĩnh Tường.

Thăm Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Lạc Trung có diện tích 13.000m2, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không gian xanh mát, yên bình. Khu di tích lưu niệm có các công trình: Cây đa lưu niệm - nơi Bác Hồ ngồi trò chuyện với nhân dân ngày 25/1/1961. Dưới gốc đa là tấm bia đá ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm Lạc Trung.

Bên trong Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Lạc Trung, xã Bình Dương. Mỗi bức ảnh, hiện vật ở đây là một câu chuyện xúc động, ý nghĩa về Bác Hồ. Phía ngoài sân là kho của HTX cũ đã được cải tạo thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Trong khuôn viên khu di tích còn có ao cá, vườn cây Bác Hồ với rất nhiều cây xanh, cây ăn quả, hoa và những cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng khi về thăm địa phương.

Ông Lê Văn Soạn, Bí thư Chi bộ thôn Lạc Trung cho biết: Vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn, lãnh đạo tỉnh, huyện Vĩnh Tường, xã Bình Dương cùng các tổ chức đoàn thể, học sinh lại tới khu lưu niệm thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Đây vừa là nơi ôn lại kỷ niệm về Bác Hồ với người dân thôn Lạc Trung, vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, lan tỏa phong trào rèn luyện, học tập, làm theo tấm gương của Bác.

Nhiều trường học của xã Bình Dương và huyện Vĩnh Tường đã đưa những câu chuyện về Bác Hồ với nhân dân thôn Lạc Trung vào giảng dạy trong các tiết học giáo dục địa phương, tiết học ngoại khóa. Đoàn thanh niên của huyện, xã, thôn tổ chức lễ báo công dâng Bác; các nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu khu di tích, làm lễ kết nạp đội viên, đoàn viên và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ sinh hoạt hè cho thiếu nhi tại đây.

Nhờ vậy, việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên ngày càng hiệu quả, giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu để góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử về Bác Hồ

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ năm 1945 đến năm 1963, tỉnh ta 8 lần vinh dự được đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc, trong đó có thị xã Phúc Yên (cũ); thôn Yên Định, xã Tân Phong (Bình Xuyên); khu nghỉ mát Tam Đảo (Tam Đảo); chùa Hà Tiên, thành phố Vĩnh Yên; HTX Nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên); khu Đồi Cao, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Mỗi lần Bác về thăm, mỗi lời động viên, khen ngợi của Người đều chứa đựng tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc Người dành cho Vĩnh Phúc. Đó là tài sản, giá trị tinh thần vô giá mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh luôn trân trọng, giữ gìn để sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác.

Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Yên Định, xã Tân Phong (Bình Xuyên), tại chùa Hà Tiên, phường Định Trung, Khu tưởng niệm Bác Hồ ở tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên)… Mỗi di tích đều có nét kiến trúc riêng, nhưng đều gắn liền với những câu chuyện, dấu mốc mỗi lần Bác về thăm tỉnh.

Các thế hệ người dân thôn Lạc Trung tham quan nơi trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Lạc Trung. Ảnh: Dương Hà

Để tưởng nhớ công lao của Bác và kỷ niệm những lần Người về thăm Vĩnh Phúc, năm 2003, nhân kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (năm 1963), tỉnh ta đã xây dựng Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực Đồi Cao - Tỉnh ủy.

Công trình của ý Đảng, lòng dân, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa đặc biệt, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc với Bác Hồ. Di tích Nhà lưu niệm được thiết kế kiên cố 3 gian, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước có lư hương lớn bằng đá được chế tác bởi những nghệ nhân làng nghề đá Hải Lựu (Sông Lô).

Gian chính giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên vị trí trang nghiêm nhất là bức tượng chân dung Bác bằng đồng nặng 600kg. Hai bên tượng Bác là đoạn trích dẫn lời căn dặn của Người trong những lần về thăm tỉnh. Tại Nhà lưu niệm, nhiều kỷ vật về Bác được lưu giữ cẩn thận để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Anh Nguyễn Khắc Đoàn, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên chia sẻ: Mỗi dịp đến thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hòa trong không gian yên tĩnh, không khí trong lành của cây xanh khu Đồi Cao và tiếng chim hót, đọc những lời căn dặn, xem những bức ảnh và kỷ vật về Bác tôi rất xúc động.

Từ chiếc bút máy Hồng Hà được Bác dùng ký lên bức chân dung của mình tặng Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc tới bộ quần áo kaki, đôi dép cao su… được trưng bày trang trọng ở nhà lưu niệm đều gợi nhớ đến đức tính giản dị, mộc mạc, khiêm nhường của Bác, càng khiến tôi thêm cảm phục, tôn kính vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tôi mong muốn những di sản về Bác sẽ được bảo tồn, lưu giữ mãi mãi để con cháu chúng ta và thế hệ mai sau được xem, được tìm hiểu và nỗ lực học tập tấm gương đạo đức của Bác.

Các di tích lịch sử và địa danh lưu niệm về Bác Hồ vừa là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, vừa là điều kiện để tỉnh phát huy giá trị di sản văn hóa về Bác Hồ trên quê hương Vĩnh Phúc. Nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) quan tâm quản lý, bảo tồn, tôn tạo các di tích nơi Bác Hồ đã đến thăm, chỉ đạo công việc, đảm bảo nét đặc trưng về kiến trúc, văn hóa, tạo sức hấp dẫn riêng cho từng địa phương.

Để phát huy giá trị không gian văn hóa về Bác, các địa phương cũng tăng cường quản lý, bảo vệ, gìn giữ cảnh quan các di tích sạch đẹp; sưu tầm, trưng bày bổ sung các tư liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng niệm, báo công, hành trình về nguồn nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.

Sở VH-TT&DL, các doanh nghiệp lữ hành tổ chức kết nối, xây dựng các tuyến du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử văn hóa về Bác Hồ gắn với các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Từ đó, giúp người dân, khách thập phương hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử đất và người Vĩnh Phúc.

Phương Loan