Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng tầm các di sản văn hóa của địa phương, phục vụ phát triển du lịch; nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng tầm các di sản văn hóa của địa phương, phục vụ phát triển du lịch; nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu với trang phục truyền thống tại Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo). Ảnh: Dương Chung
Vĩnh Phúc có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 55.000 người DTTS, chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày… sống đan xen, rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, thể hiện qua trang phục, ẩm thực, nhà cửa, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS, Sở VH-TT&DL đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, phát huy các giá trị văn hóa dân gian nói riêng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các DTTS nói chung gắn với phát triển du lịch ở các địa phương; tổ chức xây dựng kịch bản, phục dựng các lễ hội truyền thống; mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho đồng bào các DTTS; tổ chức các chương trình ngày hội giao lưu văn hóa vùng đồng bào DTTS.
Một số nghi lễ đặc sắc như lễ Cấp sắc, lễ làm nhà xe của đồng bào dân tộc Dao được các nghệ nhân biểu diễn tại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở quảng trường Khu du lịch Tam Đảo. Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu như hát Soọng cô, làm bánh chưng gù, bánh gio được trình diễn, thực hành tại Lễ hội Tây Thiên; các phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cao Lan được thực hành tại Lễ hội Xuống đồng… góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Xã Quang Yên, huyện Sông Lô có hơn 400 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung ở 3 thôn Đồng Dong, Đồng Dạ, Xóm Mới. Trải qua nhiều thế hệ, người Cao Lan vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán, làn điệu Sình ca, Lễ hội Xuống đồng, các sản vật đặc trưng như bánh chim gâu, xôi ngũ sắc…
Những năm qua, xã Quang Yên đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan gắn với phát triển du lịch như khuyến khích các câu lạc bộ Sình ca, múa dân gian duy trì hoạt động; phối hợp với các ngành chức năng phục dựng Lễ hội Xuống đồng vào tháng Giêng hằng năm; tuyên truyền, định hướng người dân phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay... Khi tham gia du lịch cộng đồng, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Phát triển du lịch không chỉ giúp Quang Yên bảo tồn được các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Tam Đảo hiện có hơn 42% dân số là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Hiện nay, người Sán Dìu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như hát Soọng cô, trang phục, ẩm thực, các lễ hội truyền thống…
Để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, UBND tỉnh xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Trên cơ sở đề án của tỉnh, huyện Tam Đảo ưu tiên khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong đời sống kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch.
Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu Soọng cô để sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phục dựng một số mẫu nhà truyền thống và khôi phục, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian của đồng bào; xây dựng sản phẩm du lịch mới trong các khu, điểm du lịch…
Tuy nhiên, trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, các đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ít nhiều bị mai một. Để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS.
Qua đó gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Minh Thu