Những di chỉ khảo cổ ở Lũng Hòa (Vĩnh Tường), Đồng Đậu (Yên Lạc)… được phát hiện và khai quật với nhiều hiện vật phong phú đã khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những vùng đất cổ, trung tâm của nước Văn Lang xưa. Ngành VH-TT&DL tỉnh và các địa phương có di tích đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ cùng các di vật, hiện vật.
Những di chỉ khảo cổ ở Lũng Hòa (Vĩnh Tường), Đồng Đậu (Yên Lạc)… được phát hiện và khai quật với nhiều hiện vật phong phú đã khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những vùng đất cổ, trung tâm của nước Văn Lang xưa. Ngành VH-TT&DL tỉnh và các địa phương có di tích đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ cùng các di vật, hiện vật.
Di cốt người Việt cổ và các hiện vật thuộc di chỉ khảo cổ Đồng Đậu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử. Thời kỳ dựng nước, người Việt cổ đã sớm định cư, sinh sống tại đây. Điều này được các nhà khoa học khẳng định nhờ vào các hiện vật được khai quật từ các di tích khảo cổ ở Lũng Hòa, Đồng Đậu, Nghĩa Lập…
Trong đó, di chỉ Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc là di tích khảo cổ tiêu biểu, có giá trị bậc nhất nước ta. Di chỉ được tìm thấy vào tháng 2/1962. Qua 7 lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện di cốt của người Việt cổ cùng một khối lượng hiện vật đồ sộ, phong phú, đa dạng về chất liệu, chủng loại, kiểu dáng, thuộc 4 tầng văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Điều này cho thấy, lịch sử hình thành, phát triển của người Việt cổ tại đây diễn ra liên lục, xuyên suốt. Đây là những bằng chứng quý giá để tìm hiểu về nguồn gốc, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam cũng như quá trình hình thành Nhà nước đầu tiên của dân tộc.
Tại di chỉ Đồng Đậu, các nhà khoa học đã khai quật được 71 loại đồ đá, gồm công cụ sản xuất, vũ khí, dụng cụ săn bắt, dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức… có kỹ thuật chế tác đỉnh cao. Đồ đồng có 27 loại dùng trong các hoạt động sản xuất, săn bắt, đánh cá… có kỹ thuật chế tác thô sơ. Ngoài ra, có nhiều di vật bằng xương, sừng có trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện; các vật dụng để đựng, nấu, công cụ sản xuất… làm từ đồ gốm.
Trong lớp văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các hạt lúa tẻ, lúa nếp, cho thấy người Việt cổ đã biết trồng lúa nước từ cách đây 3.500 - 4.000 năm. Nghề nông khá phát triển và giữ được vai trò chủ đạo trong các ngành sản xuất. Ngoài trồng trọt, cư dân bắt đầu chăn nuôi và duy trì các hoạt động săn bắn, đánh cá. Thủ công nghiệp cũng được hình thành và phát triển với việc chế tác đồ đá, đan lát, luyện, đúc đồng… Cư dân Đồng Đậu đã có nhận thức về cái đẹp, thể hiện trên kiểu dáng, hoa văn đồ gốm, đồ trang sức…
Những dấu tích trên cho thấy, từ hàng nghìn năm trước, cư dân Đồng Đậu đã tiến vào ngưỡng cửa văn minh của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng, góp phần hình thành nên nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc Nguyễn Văn Minh chia sẻ: "Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn giá trị di sản của dân tộc. Địa phương đã cử người trông nom, bảo vệ di tích 24/24h để đề phòng trường hợp có kẻ gian đột nhập xâm hại di tích. Đến nay, di tích được bảo vệ gần như nguyên vẹn".
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quốc Minh cho biết: "Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh luôn được tỉnh và các cơ quan chuyên môn Trung ương quan tâm thực hiện. Các hiện vật, di vật được lưu trữ, bảo tồn tại Bảo tàng tỉnh. Bảo tàng đã lập hồ sơ, lý lịch, ghi chép sổ sách các hiện vật, hoàn thiện việc kiểm kê, nhập dữ liệu theo phần mềm của Cục Di sản văn hóa; bảo quản các hiện vật đúng kỹ thuật để tránh ẩm mốc, hư hại.
UBND thị trấn Yên Lạc cử người trông coi, bảo vệ di tích khảo cổ học Đồng Đậu để tránh kẻ gian đột nhập, xâm hại di tích. Ảnh: Kim Ly
Để phát huy giá trị của di sản, Bảo tàng tỉnh tổ chức hệ thống trưng bày thường trực giai đoạn 1 “Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến trước năm 1930”; phối hợp với các đơn vị tổ chức trưng bày các chuyên đề “Tinh hoa cổ vật và gốm mỹ thuật đương đại Vĩnh Phúc”, “Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng”.
Thông qua các trưng bày, triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về lịch sử và những di sản văn hóa của quê hương, đồng thời, nêu cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản".
Nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các chuyên gia tiến hành khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Đề án đưa ra các giải pháp cụ thể, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích như tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích; tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa gắn với di tích để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; đưa di tích trở thành địa điểm du lịch văn hóa về tâm linh, nguồn cội, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu.
Bạch Nga