“Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” là một trong những phong trào thiết thực, ý nghĩa được các cấp Hội CCB trong tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, huy động được các nguồn lực, thu hút hội viên tham gia làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Mô hình nuôi dê của gia đình CCB Đinh Văn Hợi, thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Kim Ly
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Dương Văn Nhã ở thôn Phúc Cẩm, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành tấm gương sáng trong phong trào “CCB làm kinh tế giỏi”.
Năm 1980, CCB Dương Văn Nhã xuất ngũ trở về quê hương. Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên vượt qua đói nghèo, ông Nhã quyết tìm hướng phát triển kinh tế. Nhận thấy địa phương có nhiều ao, hồ rộng, phù hợp để phát triển nuôi cá, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng nguồn vốn của gia đình để phát triển kinh tế.
Năm 2003, ông Nhã thả vụ cá đầu tiên. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cá qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chi hội CCB, dần dần, ông Nhã rút ra kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, vì vậy, đàn cá của gia đình ông luôn phát triển tốt, ít mắc bệnh.
Đến nay, diện tích thả cá của gia đình ông phát triển quy mô lên tới 14 mẫu, mỗi năm cho thu nhập 150-200 triệu đồng. Không chỉ nuôi cá, ông Nhã còn tận dụng diện tích đất rộng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu. Ông tìm mua trâu nhỏ, gầy về nuôi thêm 3-4 tháng thì bán trâu thịt.
Gia đình ông chăn thả 20-30 con trâu, mức thu nhập hằng năm từ nuôi trâu đạt hơn 100 triệu đồng. Để đất đai không bị bỏ hoang, ông Nhã trồng thêm các loại cây cảnh, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh đã phát động phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đến từng cán bộ, hội viên. Để thực hiện, các cấp hội đã tạo điều kiện, khuyến khích hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa phong trào phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hội CCB tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, kiến thức về sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường cho hàng nghìn lượt hội viên CCB; tổ chức cho hàng nghìn lượt hội viên đi tham quan thực tế các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các gương CCB điển hình tiên tiến phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Cùng với các lớp tập huấn về vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các cấp hội đặc biệt quan tâm đến các gia đình hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Riêng chương trình phối hợp giữa Hội CCB và các ngân hàng đã tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế của nhiều hội viên. Tính đến nay, Hội CCB tỉnh có 406 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 12.680 hộ vay, dư nợ hơn 530 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Phát huy vai trò của các CCB có kinh nghiệm, năng lực và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh đồng thời là nòng cốt, là đầu tàu để hướng dẫn, giúp đỡ, lôi cuốn CCB phát triển kinh tế, các cấp hội đã thành lập được 95 CLB "CCB, cựu quân nhân làm kinh tế giỏi" ở 3 cấp với hơn 2.270 thành viên.
Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội CCB trong tỉnh, đến nay, số hộ hội viên CCB nghèo đã giảm còn 251 hộ (0,11%), hộ cận nghèo giảm còn 565 hộ (0,83%), hộ khá, giàu có 43 nghìn hộ (65,7%); 46/136 xã, phường không còn hộ hội viên CCB nghèo.
Để phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, các cấp Hội CCB đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Hội lấy kết quả thực hiện phong trào làm tiêu chí để đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức hội, hội viên; coi trọng biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, gương người tốt, việc tốt để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện phong trào.
Diệu Linh